Được bố trí phát biểu cuối cùng trong phiên họp tổ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dành hơn 30 phút để giải trình thêm nhiều vấn đề của ngành mình mà các đại biểu quan tâm.
Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói về việc điều tiết ngân sách của một số địa phương, trong đó có TP.HCM. Ông nhắc lại hồi cuối năm 2016, đầu năm 2017 khi quyết định giảm tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại từ 23% xuống còn 18% đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, có những khoản mà TP.HCM chỉ thu hộ trung ương, sau khi thu phải điều tiết về. Đó là các khoản liên quan đến dầu thô, xuất nhập khẩu.
“Khi tôi đi công tác, một bí thư tỉnh ủy biên giới, nơi có cửa khẩu rất lớn nói rằng phải hỗ trợ tỉnh ngần này tiền. Lý do đưa ra là tỉnh vượt thu về xuất nhập khẩu lớn. Trả lời, tôi bảo đúng là vượt thu lớn nhưng đâu phải việc của anh. Xuất khẩu ở đây không phải của anh mà là của cả vùng. Nhập khẩu cũng chẳng phải tiêu thụ ở đây. Thông lệ của quốc tế là nguồn thu của trung ương hết, chúng ta cũng đang áp dụng điều này”, ông Dũng lấy ví dụ.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng tình trạng thu ngân sách và điều tiết về trung ương của TP.HCM cũng trong tình trạng như vậy.
Vị bộ trưởng cũng băn khoăn về tăng trưởng của TP.HCM hiện nay. Ông nhận định vai trò đầu tàu của TP.HCM đang giảm sút.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tỏ ra băn khoăn và lo lắng về tăng trưởng của TP.HCM hiện nay. Ảnh: Hồ Ý. |
Lấy dẫn chứng, ông Dũng cho biết trước đây GRDP của TP.HCM chiếm 27-28% của cả nước, giờ xuống còn 23-24%. Trong khu vực Đông Nam Bộ, đóng góp của TP.HCM cũng giảm. Từ đó đóng góp ngân sách cho cả nước cũng giảm theo từ 25-27% xuống 21-22%. Số tuyệt đối thu có tăng, nhưng tốc độ tăng so với cả nước đang chậm lại.
“Vai trò đầu tàu của TP.HCM phải xem xét lại. Vai trò trung tâm kinh tế này đang có vấn đề”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét lại việc phân cấp ngân sách cho các địa phương. Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh giai đoạn này trung ương chỉ thu khoảng 55%, trong khi phải lo rất nhiều vấn đề như an ninh quốc phòng, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các địa phương không tự cân đối ngân sách.
“Địa phương biên giới thì lấy cái gì mà thu, nhưng bảo vệ nó thì phải mất rất nhiều tiền. Chúng ta phải thống nhất với nhau như vậy thì mới rõ định hướng chính sách mai kia tốt hơn”, ông Dũng nêu quan điểm.
Nợ công mới trả được lãi, vẫn còn nợ gốc
Trước việc nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về tình trạng nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tỷ lệ nợ đã giảm so với GDP, tuy nhiên con số tuyệt đối không giảm mà đang tăng lên. Theo đó, năm 2015 nợ công là 61,3% GDP, đến năm 2016 là 63,7% GDP và sang năm 2018 giảm xuống còn 58,4% so với GDP.
Tuy nhiên, quy mô GDP năm 2015 là 4,2 triệu tỷ đồng, nghĩa là nợ công khoảng 2,6 triệu tỷ đồng. Đến năm 2018, quy mô GDP đạt 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công vào khoảng 3,2 triệu tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Minh Quân. |
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng những năm vừa qua Chính phủ đã cơ cấu lại nợ công rất tốt với kỳ hạn dài hơn, lãi suất giảm. Tuy nhiên, Việt Nam mới bố trí trả nợ được phần lãi.
“Chúng ta mới bố trí trả nợ được phần lãi, chưa trả được phần gốc. Gốc vẫn phải đảo nợ vì luật cho phép. Cho nên số tuyệt đối nợ công vẫn đang tăng”, ông nói.
Giải thích, Bộ trưởng Dũng cho rằng Việt Nam vẫn chưa có bội thu ngân sách để trả nợ gốc. Vị này cho biết trong năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ dành 3.500 tỷ đồng trong năm 2018 để giảm bội chi, từ đó dần sẽ tạo nguồn bội thu để trả nợ.
“Có người hỏi nợ công đã an toàn chưa, bền vững chưa, thì tôi trả lời là vẫn chưa”, ông Dũng nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết Chính phủ đang đi đúng hướng trong việc giảm bội chi ngân sách. Theo đó, năm 2016 bội chi ngân sách là 248.000 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP. Khoản này chưa bao gồm vay để trả nợ gốc đến hạn (để đảo nợ) là 70.000 tỷ đồng và trái phiếu công trình là 46.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản trái phiếu trước kia vẫn không được tính vào nợ công. Từ năm 2017, khoản trái phiếu được tính vào nợ công để quản lý tốt hơn.
Theo Bộ trưởng Dũng, tỷ lệ bội chi ngân sách đã giảm từ 8,1% GDP năm 2016 (chưa tính đủ trái phiếu) xuống còn 2,74% GDP (khoảng 136.000 tỷ đồng khi đã tính cả trái phiếu) vào năm 2017.
Ông Dũng cũng cho biết Chính phủ đang tái cơ cấu lại thu chi ngân sách. Theo đó, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên. Biện pháp giảm chi thường xuyên hiệu quả nhất là sắp xếp bộ máy, xã hội hóa các lĩnh vực lớn như giáo dục, y tế.