Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc trao đổi với Tri Thức - Znews liên quan các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như chính sách mà các bộ, ngành, Chính phủ đang thực hiện để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững.
Áp lực từ mục tiêu kép
- Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, GDP năm 2023 không thể cán đích, quyết định tiếp tục miễn giảm nhiều loại thuế, phí năm 2024 chắc không phải quyết định dễ dàng với ngành Tài chính?
- Có thể nói từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 và các biến động kinh tế thế giới đã tác động mạnh tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh với quy mô khoảng 700.000 tỷ đồng.
Đây là các giải pháp hỗ trợ quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển. Điển hình phải kể tới chính sách giảm 50% thuế môi trường trong xăng dầu; giảm 30% tiền thuê đất; giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%... Ngoài giảm thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã tham mưu phân bổ chi gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm tăng tổng cầu nền kinh tế.
QUY MÔ CÁC GÓI GIẢM, GIA HẠN THUẾ, PHÍ VÀO KHOẢNG 700.000 TỶ ĐỒNG | |||||
Quy mô các đợt giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình. Nguồn: Bộ Tài chính; Tổng hợp. | |||||
Nhãn | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | |
Quy mô giảm, giãn thuế, phí | Tỷ đồng | 129000 | 145000 | 233000 | 193000 |
Tuy nhiên, việc giảm thuế sẽ làm giảm nguồn lực tài chính công quốc gia. Vì vậy, chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp phục hồi, còn trong dài hạn, cần phải đảm bảo sức mạnh tài chính công.
- Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới dự báo chưa khởi sắc ngay, việc điều hành chính sách tài khóa với mục tiêu kép góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6-6,5%, vừa đảm bảo tăng thu ngân sách, có tạo áp lực với Bộ trưởng và ngành Tài chính?
- Năm 2024 dự báo chúng ta sẽ phải triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó, khó khăn được dự báo nhiều hơn thuận lợi.
Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính rất nặng nề. Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP. Như vậy, tính cả miễn giảm thuế, phí thì dự toán năm 2024 cao hơn 8,6% so với năm ngoái.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm nay là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên.
Mức độ các chính sách nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp như theo dõi, dự báo tình hình kinh tế, không để bị động, bất ngờ; điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế khác; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế...
Bộ cũng sẽ quản lý chi NSNN chặt chẽ, kiểm soát bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn theo quy định. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Ngoài ra, các giải pháp để đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính… cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai.
Vừa tăng giải ngân vốn đầu tư công vừa tiết kiệm chi
- Năm nay, đầu tư công và chi tiêu công được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính sẽ sử dụng 2 công cụ này ra sao?
Trong dự toán chi NSNN năm nay, chi đầu tư công là 657.349 tỷ đồng (chưa bao gồm phần ngân sách địa phương giao tăng thêm 31.351 tỷ đồng), chiếm 31,3% tổng chi NSNN.
Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch giao của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công theo nguyên tắc đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tập trung vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa...
Ngay từ đầu năm, Bộ đã có công văn đôn đốc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2024 gửi các đơn vị, trong đó đề nghị thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Căn cứ báo cáo phân bổ chi tiết của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thì năm 2024, vốn đầu tư công tiếp tục giành phần lớn cho các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, các dự án liên kết vùng là 94.199 tỷ đồng, các Chương trình mục tiêu quốc gia là 27.220 tỷ đồng.
Năm 2024, số chi cho đầu tư công dự kiến trên 657.000 tỷ đồng (chưa bao gồm phần ngân sách địa phương giao tăng thêm hơn 31.000 tỷ) ,chiếm 31,3% tổng chi NSNN. Ảnh: Hồng Quang. |
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai kế hoạch để đề xuất các giải pháp thúc đẩy chi đầu tư công.
Với chi thường xuyên, ngay từ khâu lập dự toán, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo, rà soát thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết, cấp bách.
Từng bước gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Liên quan thị trường TPDN năm vừa qua, theo Bộ trưởng, đâu là điểm khác biệt lớn nhất so với năm 2022?
Năm 2022, thị trường TPDN đã có nhiều biến động, do ảnh hưởng của thị trường tài chính trong và ngoài nước, các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến thị trường TPDN, niềm tin của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm.
Với các giải pháp được được đưa ra, thị trường TPDN năm vừa qua đã bắt đầu có sự phục hồi, đặc biệt kể từ thời điểm Nghị định số 08 có hiệu lực.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường TPDN.
Các chính sách và giải pháp của Chính phủ thời gian qua đã giúp ổn định tâm lý thị trường. Các chủ thể tham gia thị trường từ nhà đầu tư đến doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động. Đây là chuyển biến quan trọng để thị trường phát triển thị trường bền vững, an toàn, hiệu quả hơn.
- Lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 tương đối lớn (hơn 380.000 tỷ đồng), chủ yếu là trái phiếu bất động sản và năng lượng tái tạo, liệu điều này có tạo áp lực với thị trường vốn, thưa Bộ trưởng?
Đúng là khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 tương đối cao. Tuy nhiên, so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi vụ việc Ngân hàng SCB xảy ra, bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đã ổn định hơn rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư.
Đối với từng ngành, lĩnh vực sẽ có đặc điểm hoạt động riêng, mức độ phục hồi, phát triển khác nhau. Riêng với lĩnh vực bất động sản, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, số lượng dự án đã hoàn thành quý cuối năm ngoái cao hơn nhiều so với các quý liền trước.
LƯỢNG LỚN TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP SẼ ĐÁO HẠN TRONG NĂM NAY | |||||||||
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn các quý gần đây. Nguồn: HNX; VNBA; Tổng hợp. | |||||||||
Nhãn | I/2023 | II | III | IV | I/2024 | II | III | IV | |
Giá trị trái phiếu đáo hạn | Tỷ đồng | 41052 | 75157 | 104422 | 69189 | 51690 | 116002 | 68182 | 124626 |
Sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, các khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, có dòng tiền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư.
Kể từ quý II/2023, tình hình thị trường đã có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản.
- Để thị trường TPDN phát triển bền vững, cần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư với sự tham qua của các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện. Lộ trình này đang được Bộ Tài chính thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Đồng thời có hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để các Bộ, ngành phối hợp triển khai.
So với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi vụ việc Ngân hàng SCB xảy ra, bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đã ổn định hơn rất nhiều
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường TPDN ổn định, minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư để tăng độ sâu của thị trường.
Đối với việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đây là nhiệm vụ chung của Chính phủ, các Bộ, ngành. Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, để phù hợp với tình hình thị trường trong từng giai đoạn.
Hiện các Bộ, ngành đang thực hiện một số nhóm giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi tình hình thanh toán TPDN đến hạn; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán...
Đối với việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư trái phiếu… đây cũng là giải pháp quan trọng để phát triển thị trường TPDN theo như thông lệ quốc tế.
Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức chưa đa dạng, đặc biệt là các quỹ đầu tư chưa phát triển, quy mô còn nhỏ. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua TPDN ở mức cao, trong khi kiến thức, kinh nghiệm đầu tư thấp.
Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi khung khổ pháp lý để tăng cường hoạt động của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.