Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cùng với việc cắt giảm và xóa bỏ các tổ chức thuộc và trực thuộc thì vị trí lãnh đạo cũng sẽ phải rà soát, cắt giảm. Vẫn còn một số cán bộ tâm tư.
Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ với Zing.vn về các vấn đề ngành tài chính trong năm 2018 vừa qua và thách thức trong năm 2019.
- Năm 2018 ghi nhận các dấu mốc tích cực về các chỉ số kinh tế, cả về tăng trưởng, lạm phát.. mà Bộ Tài chính đóng góp không nhỏ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đâu là những hạn chế mà ngành tài chính cần cải thiện thời gian tới?
- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ của ngành tài chính như tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN và tài chính công đã đạt kết quả tốt, cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng.
Phải thẳng thắn rằng bên cạnh những kết quả đạt được thì trong điều hành chúng ta vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục.
Đơn cử, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chuyển biến chưa rõ nét…
Công tác xây dựng, thể chế chính sách vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo tiến độ, phải chuyển sang năm sau. Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế còn lớn; cơ cấu đầu tư công chưa chuyển biến rõ nét, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hay hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án vẫn còn thấp.
Kỳ hạn vay nợ chủ yếu 3-5 năm dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Việc chấp hành kỷ luật tài chính ở một số đơn vị còn chưa nghiêm, tình trạng chi sai chính sách, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan; công tác quản lý, sử dụng tài sản công có bước tiến bộ song đôi khi vẫn còn xảy ra thất thoát, lãng phí.
Vì vậy, trong năm 2019 và các năm tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp và bản thân ngành Tài chính phải quyết liệt triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các yếu kém này.
- Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhắc tới số thu năm nay vượt dự toán, nhưng chủ yếu đến từ nhà, đất và dầu thô, trong khi 3 khu vực kinh tế quan trọng lại thấp. Điều này có khiến ông lo lắng và theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Từ đầu năm, ngành tài chính đã chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thu ngân sách, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; chống thất thu, chuyển giá… Nhờ đó, thu NSNN đã vượt 7,8% dự toán. Tỷ trọng thu nội địa năm qua chiếm 81% tổng thu, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 68%.
Số thu từ 3 khu vực kinh tế đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, như khu vực DNNN tăng 4%; FDI tăng 8,8% và ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%. Như vậy, thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế năm qua khoảng 7,08% và lạm phát khoảng 3,5%.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế này đã không đạt so với dự toán đề ra. Số không đạt này đã được bù do số tăng thu từ dầu thô, nhà, đất vượt dự toán được giao.
Ngoài nguyên nhân dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng nhìn chung còn khó khăn, quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm đã tạo áp lực lên thu ngân sách.
- Nợ công là vấn đề đau đầu của Việt Nam trong vài năm qua. Theo tính toán, năm 2018, mỗi người Việt Nam phải gánh tới 35 triệu đồng nợ công. Ông có thể chia sẻ gì về chỉ tiêu kinh tế này?
- Với nỗ lực thực hiện chủ trương, giải pháp về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, kể từ 2016, chúng ta đã có được nhiều kết quả trong lĩnh vực này.
Về quy mô, nợ công liên tục giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống khoảng 61% GDP vào năm vừa qua. Trong khi đó, Nghị quyết 01 của Chính phủ đặt mục tiêu nợ công là không quá 63,9% GDP.
Thông qua kiểm soát các khoản vay mới nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình đã giúp kiểm soát rất nhiều nợ Chính phủ. Bội chi ngân sách được kiểm soát nhằm tạo điều kiện kiểm soát và tiến tới giảm dần nợ công. Bảo lãnh Chính phủ đã liên tục giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 8,7% GDP hiện tại.
Về cơ cấu, nợ trong nước/nước ngoài được cải thiện tăng tỷ trọng nợ trong nước, hiện chiếm khoảng 60% tổng nợ công, giảm rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ của Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung.
Trong Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, dự toán chi trả nợ lãi là 124.800 tỷ đồng nhưng không có chi trả nợ gốc. Trong khi KTNN đã bày tỏ lo lắng về khoản 197.000 tỷ đồng chi trả nợ gốc năm 2019 có thể gây áp lực lớn cho ngân sách. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
- Giai đoạn 2013-2015, khi kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, chống chịu với tác động từ bên ngoài, NSNN đã phải huy động một lượng lớn nguồn lực trong điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển. Với kỳ hạn vay nợ chủ yếu là từ 3-5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây.
Không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Tuy nhiên, tổng quy mô huy động của NSTW đã được kéo xuống thấp hơn, và đặc biệt quy mô nợ công tính theo GDP sau nhiều năm tăng đã có xu hướng giảm như kết quả chúng ta đã đạt được.
Thị trường tài chính cũng đã có sự phát triển đáng kể, nên việc huy động vốn cho NSNN không tạo ra các áp lực đối với thị trường.
Theo thông lệ quốc tế, từ khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực, thì khoản chi trả nợ gốc không đưa vào cân đối NSNN. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, kể cả nợ trong và ngoài nước vẫn được thực hiện đầy đủ, không làm tăng tỷ lệ nợ Chính phủ.
- Giải pháp của Bộ Tài chính để kiểm soát nợ công, đảm bảo an toàn bền vững là gì, thưa Bộ trưởng?
- Trước mắt, trong năm 2019-2020, Bộ sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, nghị quyết của của Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực cho đến nay để tham mưu, thực hiện các giải pháp đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.
Bội chi NSNN sẽ tiếp tục được kiểm soát dưới 4%, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ vay giảm áp lực huy động vốn vay mới, để tạo điều kiện giảm dần nợ công.
Các khoản vay mới sẽ được kiểm soát chặt chẽ, chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên. Đặc biệt, sẽ không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng.
Bộ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách.
Đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc để đảm bảo việc trả nợ đối với vay về cho vay lại và các khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ.
- Năm qua, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ở các bộ ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả là một ưu tiên. Là một trong những bộ có số lượng cấp cục và các đơn vị ngành dọc nhiều nhất, công việc này ở Bộ được tiến hành ra sao, thưa Bộ trưởng?
- Bộ Tài chính là bộ đa ngành, lĩnh vực với quy mô, phạm vi quản lý rộng gồm 20 Vụ/Cục, 5 Tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp, 183 Cục ở cấp tỉnh, gần 1.700 chi cục ở cấp huyện... Biên chế công chức, viên chức của Bộ được giao năm 2018 cũng khoảng 73.000 người.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2017, Bộ đã cắt giảm khoảng 2.649 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ, đội tại địa phương. Bộ cũng đã cơ cấu tinh gọn bộ máy cấp phòng thuộc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh và cấp huyện.
Riêng năm 2018, Bộ đã cắt giảm 536 đầu mối, trong đó cấp phòng và tương đương thuộc các Vụ/Cục thuộc Cơ quan Bộ giảm 5 đơn vị; cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp giảm 3 đơn vị; cấp phòng thuộc Tổng cục giảm 25 đơn vị; cấp chi cục và tương đương giảm 67 đơn vị.
Từ khi có chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan thuế, Bộ đã chỉ đạo dừng việc xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan thuế cấp Cục, Chi cục, dừng bổ nhiệm lãnh đạo cấp Chi cục để hợp nhất, sáp nhập thành Chi cục Thuế khu vực.
Việc quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ cũng được thực hiện để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015. Hiện tại, Bộ đã cắt giảm 4.973 chỉ tiêu, giảm 6,7% số biên chế so với năm 2015.
- Trong quá trình tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối, Bộ và cá nhân Bộ trưởng gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không?
- Kết quả sắp xếp, hợp nhất các đơn vị thời gian qua đã và đang thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy gắn với cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số những khó khăn, thách thức. Như việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra trong bối cảnh các văn bản quy định chưa được ban hành đồng bộ. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương có cách thức triển khai khác nhau, chưa có một mô hình mẫu để học tập, rút kinh nghiệm.
Là một trong các bộ đi đầu, nên Bộ Tài chính phải vừa thực hiện, vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền khiến quá trình triển khai kéo dài hơn so với dự kiến.
Việc sắp xếp, sáp nhập một số Chi cục Thuế cấp huyện thành Chi cục Thuế khu vực dẫn đến địa bàn, đối tượng quản lý của Chi cục Thuế khu vực tương đối lớn trong khi mỗi Chi cục Thuế có một trụ sở chính và một con dấu.
Trong khi thực tế, tại nơi không đặt Trụ sở chính của Chi cục Thuế khu vực nhưng vẫn cần giải quyết các thủ tục hành chính phát sinh hàng ngày. Vì vậy, Bộ đã đồng ý cho Chi cục Thuế khu vực được sử dụng thêm con dấu ướt (con dấu 2, thứ 3) để triển khai nhiệm vụ.
Việc quản lý, sử dụng con dấu ướt tại Chi cục Thuế khu vực dẫn đến phải có cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực thi nhiệm vụ. Đây cũng là thách thức cho ngành trong việc quản lý con dấu cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện của những bộ phận được phân cấp, phân quyền.
Trong thời tới, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Bên cạnh đó, dù đã được quán triệt về tư tưởng, vẫn còn một số cán bộ có tâm tư do quá trình sắp xếp ảnh hưởng đến vị trí công tác, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sinh hoạt...
Cùng với việc cắt giảm và xóa bỏ các tổ chức thuộc và trực thuộc thì vị trí lãnh đạo cũng sẽ phải rà soát, cắt giảm.
Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của công chức và người lao động, đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong công tác tổ chức, cán bộ, không ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.