17h20 ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu phát biểu tại hội nghị tổng kết 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ Thông tin - Truyền thông. Dù có lịch tiếp khách quốc tế ngay sau đó, Thủ tướng vẫn dành tới gần 40 phút để chia sẻ nhiều trăn trở với ngành.
"Tôi ấn tượng với cách thức tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông", Thủ tướng nói.
Theo nhận xét của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi tổng kết và triển khai nhiệm vụ rất trực quan. Thông qua triển lãm công nghệ số bên lề, những thành tựu mà ngành đạt được đã thể hiện rất sinh động. Thành phần tham dự cũng rất đầy đủ, có trung ương, địa phương, có quản lý Nhà nước, và doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ.
“Nhà nước nói và làm thể chế, doanh nghiệp mới là người làm, không có doanh nghiệp làm sao thành công được” - Thủ tướng nói.
Riêng về cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành lời khen với hai từ “đổi mới”. Nhiều phát biểu của Bộ trưởng đã tạo được hiệu ứng, sự ủng hộ mạnh mẽ.
Xây dựng doanh nghiệp công nghệ tầm thế giới
Dành một giờ tham gia triển lãm công nghệ Việt Nam, lắng nghe các chia sẻ, Thủ tướng cho biết ông đánh giá cao cụm từ được nhiều doanh nghiệp nhắc đến là "sáng tạo và khát vọng Việt Nam". Ông mong muốn đó cũng là tinh thần của những người làm công nghệ và báo chí, để đưa Việt Nam phát triển.
Điểm lại thành tích năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, qua đó đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, tạo nhiều việc làm.
Trong ngành, có doanh nghiệp tạo được thương hiệu, uy tín quốc tế.
Thủ tướng dẫn chứng đã có 4 doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh của Việt Nam đi vào hoạt động. Trong số đó, nhiều ông chủ trẻ tuổi, chịu khó mày mò nhiều năm liền và đã thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm về thành tựu của ngành thông tin và truyền thông. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Chúng ta có 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ. Tuy số lượng nhỏ nhưng phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao".
Dành lời khen, nhưng Thủ tướng vẫn chỉ ra Bộ Thông tin và Truyền thông còn tồn tại cần khắc phục. Ông dẫn lại vụ AVG với hậu quả nặng nề. Đó là một sự việc gây đau lòng cho các cán bộ, công chức, viên chức của ngành, làm chậm đi sự phát triển, mất nhiều cán bộ.
“Hãy coi AVG là bài học đắt giá, từ đó vươn lên. Vấp mà không ngã”, ông nói.
Thủ tướng cũng cho rằng thứ hạng của Việt Nam ở các lĩnh vực mà Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách còn thấp, thậm chí có lĩnh vực tụt hạng. Đơn cử, ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì vài năm gần đây chậm lại nhiều, từ đó dẫn đến thế mạnh của Việt Nam chưa được phát huy, chưa đi đầu về công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0.
“Mình phấn đấu quyết liệt, cải cách như vậy nhưng Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vẫn đánh giá độ sẵn sàng cho 4.0 của Việt Nam chưa đạt. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông là ở chỗ đó”, ông nói.
Nhắc lại tham vọng về một Việt Nam phát triển về công nghệ thông tin, Thủ tướng lưu ý đây là nhiệm vụ nặng nề của toàn bộ cán bộ từ Trung ương đến địa phương và cả các doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh đây là định hướng lớn, đồng thời là đơn đặt hàng và yêu cầu của Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT. Đó là nền tảng của mọi lĩnh vực khác, của kinh tế số. Việc tụt hạng là rất báo động”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng kỳ vọng các doanh nghiệp ICT phải có phong trào cách mạng trong lĩnh vực của mình. "Việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ trương nhưng cũng cần hình thành các doanh nghiệp lớn, có thứ hạng toàn cầu", Thủ tướng nói và dẫn luôn thông tin ông vừa trải nghiệm tại triển lãm số bên lề hội nghị tổng kết.
Theo đó, Thủ tướng ấn tượng với con số 45 triệu người dùng hàng tháng của ứng dụng Zalo. Nếu tính thêm 15 triệu của các mạng xã hội Việt Nam khác thì các ứng dụng nội địa đã có người dùng tương đương với Facecbook tại Việt Nam.
Bất hợp lý khi Facebook không phải đóng thuế
Nói về các mạng xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý có nhiều vấn đề phức tạp. "Trung Quốc đã có chính sách phát triển mạng xã hội của họ rất tốt, vì vậy chúng ta cũng cần thúc đẩy phát triển các mạng xã hội của Việt Nam", Thủ tướng nói và yêu cầu làm lành mạnh hóa không gian mạng, không được buông lỏng quản lý.
Thủ tướng cũng chỉ ra việc Facebook không đóng thuế tại Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì phải đóng thuế. Đó là một điểm bất hợp lý cần khắc phục.
Thủ tướng ghé thăm những người phát triển Zalo. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thời gian qua, lĩnh vực nội dung số đang có tình trạng “bảo hộ ngược” do các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều sự quản lý, kiểm duyệt về nội dung, điều kiện kinh doanh và phải trả các loại thuế phí khác nhau… Trong khi các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam thì không bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt nội dung hay trả bất kỳ loại thuế, phí nào.
Để tháo gỡ những khó khăn này, giải pháp được đề xuất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra biện pháp về kỹ thuật để bắt buộc các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tuân thủ các quy định khi kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đưa ra các ưu đãi phù hợp để tạo sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Báo chí cần đóng góp mạnh mẽ hơn cho phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao lĩnh vực tin học hóa, an toàn thông tin được đảm bảo. Báo chí tuyên truyền góp phần tạo đồng thuận, ổn định xã hội. Báo chí tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước của Đảng, Nhà nước.
“Không có báo chí, tình hình còn xấu hơn nữa. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, của truyền thông, thông tin”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ là phải tạo niềm tin trong xã hội, đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển.
Nêu thực trạng nhức nhối về sự tồn tại của tình trạng "báo chí đánh hội đồng, báo chí dìm hàng doanh nghiệp khác", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải sớm chấn chỉnh.
"Cần rút nguyên tắc xử sự, có chế tài xử lý công khai, minh bạch hơn để hạn chế tình trạng hiện nay. Tại Đức, việc đưa tin sai phạt tới 40 triệu euro, còn tại Campuchia có thể đi tù… Việt Nam thì sao?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Ông cho rằng báo chí có phần trách nhiệm trong việc tạo chuyển hóa, mất niềm tin nghiêm trọng trong dư luận xã hội đối với đất nước. "Phải chấn chỉnh sớm, không thể kéo dài", ông nói.
Thủ tướng cho rằng trong thời đại 4.0, quản lý báo chí mà không áp dụng công nghệ thì cũng khó thành công.
Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Tài chính đề xuất phương án đặt hàng báo chí cơ chế tài chính như một doanh nghiệp cho đơn vị sự nghiệp trong tuyên truyền. Các Bộ cũng cần sớm đề xuất cơ chế tài chính ưu tiên cho các cơ quan báo chí, như vấn đề thuế.
Trước đó, trong báo cáo dẫn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh sứ mạng của báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.
"Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước" - ông Hùng nói.
Bộ trưởng cho rằng, với sự xuất hiện của mạng xã hội, hàng chục triệu người có thể đưa tin thì cách làm báo và cách quản lý báo chí phải có sự thay đổi căn bản. Sứ mạng của báo chí thì không thay đổi nhưng công nghệ làm báo và công nghệ quản lý báo chí thì thay đổi mang tính cách mạng.