Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng hướng dẫn về tiền lương cho các cơ quan báo chí. Ảnh: BTC. |
Liên quan đến kiến nghị về cơ chế tự chủ, tài chính của báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết những kiến nghị của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí nói chung là có cơ sở. Tuy nhiên, ông cho rằng để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính, mà còn là của các cơ quan liên quan khác.
"Hiện, Bộ Tài chính đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60/2021 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí", Bộ trưởng nói.
Về đề xuất ưu đãi thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy định mức thuế 10% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, vấn đề ưu đãi thuế còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.
Hiện, có một vài cơ quan báo chí cũng đã trực tiếp đăng ký gặp lãnh đạo Bộ để đề xuất, kiến nghị một số vấn đề về chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trước đề xuất này, Bộ trưởng cho rằng để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải có quy định cụ thể về cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, phân định rõ chính sách tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 do các đơn vị này có mức độ tự chủ tài chính khác nhau.
Cũng liên quan vấn đề này, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập với Bộ Tài chính các vấn đề về giá đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính liên quan tới báo chí, Bộ trưởng Phớc cho biết một trong những lý do được Bộ TT&TT nêu lên là thẩm định phương án giá gắn với trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là các cơ quan báo chí và nguồn lực của Bộ TT&TT hiện chưa thực hiện được việc thẩm định giá.
Ông cho biết thêm về nguyên tắc, theo Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, các vấn đề này Bộ TT&TT sẽ duyệt giá tối đa, đơn vị đặt hàng dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực báo chí quyết định giá cụ thể để đặt hàng, đấu thầu.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ cùng Bộ TT&TT nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá", Bộ trưởng Tài chính chia sẻ.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí trong các vấn đề liên quan trực tiếp để hoàn thiện dự thảo Nghị định này, nhất là về quy định thẩm định phương án giá.
Một trong những vấn đề sẽ được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào ngày 21/12 tới đây là "kinh tế báo chí". Sự phát triển của báo chí Việt Nam sẽ không thể bền vững nếu thiếu chủ trương, định hướng của Trung ương cũng như những vấn đề căn cốt là kinh tế để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...