Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tài chính lo hãng hàng không bị thiệt vì vé 0 đồng

Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Tài chính đều cho rằng tình trạng giá vé máy bay 0 đồng không tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không.

Liên quan đến giá trần đối với dịch vụ hàng không, góp ý tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 6/4, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần quy định thêm giá vé tối thiểu và tối đa. Hiện nay, có tình trạng giá vé máy bay 0 đồng, không tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không. "Tôi được biết sắp tới còn có thêm nhà đầu tư vào hàng không", đại biểu tiết lộ.

Đại biểu dẫn chứng dịp nghỉ lễ 30/4, giá vé máy bay lại tăng cao do đó ông cho rằng cần quy định mức giá trần và tối thiểu. "Lỗ lãi của doanh nghiệp vừa qua chủ yếu do dịch bệnh. Nếu cứ lỗ thì làm gì có nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực hàng không", vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.

Cân nhắc quy định giá vé tối thiểu

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải là cần phải xác định giá trần đối với vé máy bay nội địa để bảo vệ người tiêu dùng.

"Còn quy định giá tối thiểu, ý kiến của đại biểu cũng là ý kiến hợp lý và Bộ sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bởi quy định giá tối thiểu bảo vệ doanh nghiệp, để những doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp hoạt động được. Giá vé máy bay 0 đồng, 200.000-500.000 đồng thì không đủ bù chi phí nhiên liệu", Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu không quy định giá tối thiểu, doanh nghiệp hàng không chuyên nghiệp sẽ bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến lợi nhuận độc quyền.

gia ve may bay anh 1

Vietnam Airlines nhiều lần đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Ảnh: Hoàng Hà.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết một số ý kiến đề nghị không quy định giá trần đối với dịch vụ tại cảng biển và dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, song cũng có ý kiến và đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải đề nghị quy định giá trần đối với các dịch vụ này.

“Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy đây là vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống người dân, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể trong trường hợp bỏ giá trần theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định”, bà Hà nêu rõ.

Quy định về giá dịch vụ y tế đang "rất mờ ám"

Liên quan đến vấn đề giá dịch vụ y tế trong dự thảo Luật giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho biết trong dự thảo luật này, những quy định về giá dịch vụ y tế "rất mờ ám hoặc gần như không có". Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá rất phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực.

Nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, đại biểu Quốc hội cho rằng giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi.

"Bởi vậy giá dịch vụ y tế là vấn đề phức tạp hơn nhiều, bởi nó có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại... với các mức giá rất khác nhau. Đơn cử như giá khám chữa bệnh từ xa khác với khám với chữa bệnh trực tiếp, giá khám bác sĩ trong nước khác giá khám bác sĩ nước ngoài, giá dịch vụ thường và giá cấp cứu…", vị đại biểu dẫn chứng.

Do vậy, ông Trí cho rằng nếu dự thảo luật này không quy định cụ thể, rõ ràng thì mọi thiệt thòi sẽ đổ lên bệnh nhân. "Giá là một thành tố rất quan trọng nhằm hạn chế tư nhân hóa bệnh viện công. Khoảng 200.000 đồng/giường/người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả khác hẳn giường dịch vụ là 2-3,2 triệu đồng", ông nói.

gia ve may bay anh 2

Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể vấn đề liên quan giá dịch vụ y tế vào dự thảo Luật giá sửa đổi. Ảnh: Quỳnh Danh.

Do vậy, đại biểu Trí cho rằng cần quy định cụ thể vấn đề liên quan đến giá dịch vụ y tế vào dự thảo luật để làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc... sau này.

Về vấn đề định giá, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá nhưng Bộ Tài chính "chỉ đứng ngoài cuộc" như y tế, giáo dục, kit test Covid-19, đất đai... Các cơ quan chuyên môn phải tham gia định giá, tuy nhiên Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ.

Đại biểu đề nghị cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này và chịu trách nhiệm phần lớn vào định giá. "Khi nói về giá thì phải là Bộ Tài chính chứ không thể là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế... đặc biệt đối với giá dịch vụ", đại biểu nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Đề xuất không dùng tiền người dân vào quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo đại biểu Quốc hội, quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân nhưng lại giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng tiền vào mục đích khác sẽ "không công bằng".

Đại biểu Quốc hội: Chủ đầu tư 'móc ngoặc' với địa phương để trúng thầu

Đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua có tình trạng chủ đầu tư móc ngoặc với chính quyền địa phương trong định giá tài sản cố định, đặc biệt là bất động sản để trúng thầu dự án.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm