Đây là phát biểu của tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Tài chính diễn ra chiều nay (13/4).
Bộ trưởng cho biết những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong giai đoạn vừa qua có đóng góp lớn của nguyên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ. Bên cạnh đó, kết quả này còn có sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công ngành tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Về nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý ngân sách và tài khóa nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính phấn đấu, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có báo cáo về kết quả quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016-2020.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết các mục tiêu quản lý và điều hành tài chính ngân sách nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay đã đạt kết quả khá toàn diện và tích cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố cân đối lớn, ổn định vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh.
Tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý ngân sách và chính sách tài khóa nhiệm kỳ mới. Ảnh: BTC. |
Các chính sách điều hành giai đoạn vừa qua cũng góp phần cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo cơ sở để chủ động đưa ra các giải pháp tài chính ngân sách đối phó với thiên tai, đại dịch Covid-19 và động lực cho giai đoạn tới.
Cụ thể, trong hoạt động quản lý, điều hành ngân sách, các chỉ số đều đạt và vượt dự toán. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách đạt 6,89 triệu tỷ đồng; quy mô thu bình quân đạt khoảng 25,2% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra.
Ở chiều ngược lại, quy mô chi ngân sách được quản lý trong phạm vi thu và giảm dần bội chi. Trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn này đạt trên 28% GDP (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%; ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm…
Ngành Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trình cấp thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý quy định về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công; hoàn thiện thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá theo Luật giá năm 2012.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá tiêu dùng được duy trì ổn định, bình quân ở mức 3,2% và nằm trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Chính phủ và Quốc hội đề ra.
Về hoạt động quản lý tài sản công, hệ thống pháp luật liên quan đã được hoàn thiện và đổi mới. Công tác tổ chức việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp Nhà nước cơ bản hoàn thành.
Quản lý dự trữ quốc gia được hoàn thiện khung pháp lý theo Luật Dự trữ quốc gia năm 2012. Quy mô dự trữ tiếp tục được củng cố, đến cuối năm 2020 đã tăng gấp 1,23 lần năm 2015 và gấp 1,67 lần so với đầu năm 2010.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí cũng được quán triệt trên các lĩnh vực, hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.