Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng ra đi, cố vấn diều hâu 'phủ bóng' chính sách nhập cư của Mỹ

Stephen Miller, cố vấn tổng thống với lập trường cứng rắn, được xem là người có sức ảnh hưởng thật sự với chính sách nhập cư của Nhà Trắng chứ không phải bộ trưởng an ninh nội địa.

Theo Bloomberg, việc bà Kirstjen Nielsen đột ngột rời ghế bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ ngày 7/4 là chỉ dấu cho hai điều đang xảy ra trong Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump đang nổi giận vì không đạt được bước tiến nào trong việc kiềm hãm dòng người nhập cư từ phía nam biên giới với số lượng kỷ lục. Ông cũng không có được bức tường biên giới mà mình mong muốn, thậm chí triển vọng hiện thực hóa ý tưởng này cũng trở nên xa vời với Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát.

Hàm ý khác từ sự ra đi của bà Nielsen là đã có một nhân vật trong Nhà Trắng thuyết phục thành công Tổng thống Trump rằng: Nielsen là người đáng trách nhất đối với tình hình hiện nay.

Cố vấn "diều hâu" trong vấn đề nhập cư

Theo nhiều nguồn thạo tin của Bloomberg, khi Nhà Trắng bàn đến vấn đề nhập cư, cố vấn tổng thống Stephen Miller thường tạo nên bầu không khí giận dữ và đổ lỗi cho các quan chức khác.

Tháng trước, Tổng thống Trump đã cho Miller tiếng nói lớn hơn trong chính sách nhập cư. Bản thân người cố vấn "diều hâu" từng chê trách bà Kirstjen Nielsen là "quá yếu đuối".

co van dieu hau Nha Trang anh 1
Tổng thống Trump được cho là không hài lòng với cựu bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen (giữa) vì bà không đủ cứng rắn. Ảnh: Getty.

Tổng thống Trump đã chỉ định Ủy viên Hải quan và Bảo vệ biên giới Kevin McAleenan tạm thời đảm nhiệm chiếc ghế lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS). Quyết định từ chức của bà Nielsen sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4.

Stephen Miller có thể nằm trong danh sách được cân nhắc bổ nhiệm làm tân bộ trưởng an ninh nội địa. Theo hai nguồn thạo tin, Tổng thống Trump còn bàn bạc thêm về nhiều ứng viên khác như Đổng lý Tiểu bang Kansas, Kris Kobach, và cựu giám đốc Sở Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Thomas Homan.

Một quan chức tiết lộ Matthew Whitaker, người từng là quyền bộ trưởng tư pháp, cũng đang được cân nhắc.

Ông Miller nằm trong số ít những trợ lý thân cận của Tổng thống Trump giữ được ghế của mình trong thời gian lâu nhất. Đảng Dân chủ thường chỉ trích Miller có lập trường bài xích người nhập cư. Ông cũng bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa xem là nguyên nhân khiến Washington không thể đưa ra một gói cải cách toàn diện chính sách nhập cư với sự ủng hộ của cả hai đảng. Cố vấn 33 tuổi từng gọi những đề xuất cải cách này là "lệnh ân xá" cho người nhập cư trái phép.

Sức ép cho người kế nhiệm

Bà Kirstjen Nielsen tiếp nhận ghế lãnh đạo DHS vào tháng 12/2017 sau khi người tiền nhiệm John Kelly chuyển vào Nhà Trắng để giữ chức chánh văn phòng.

Theo nhiều chuyên gia, cơ hội để bà thành công đã mong manh ngay từ đầu vì sức ép vô cùng lớn. Vấn đề nhập cư và vị trí bộ trưởng an ninh nội địa được xem là điểm tựa cho cả nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. 

"Mọi thứ đều kết nối chặt chẽ với nhau. Những chính sách nhập cư, giáo dục, mức thuế, và chính sách năng lượng đều có mối liên hệ đan xen. Tất cả những chính sách này đều dựa trên cơ sở điều gì sẽ giúp cuộc sống tại Mỹ cho những công dân Mỹ trở nên tốt đẹp hơn", ông Miller từng nói.

Chính phủ Mỹ đã thực hiện hàng loạt biện pháp thắt chặt nhập cư trong hơn hai năm qua.

Tổng thống ra sắc lệnh hành pháp chặn di trú đến từ bảy quốc gia có cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số. Nhà Trắng cũng chấm dứt quyền được bảo hộ tạm thời và đe dọa trục xuất hàng trăm nghìn người nhập cư, dù họ phải đối diện với xung đột vũ trang hoặc hậu quả thiên tai ở quê nhà. Washington tăng sức ép buộc các nước khác nhận lại tội phạm, mạnh tay cắt giảm hoặc siết chặt các chương trình thị thực lao động.

co van dieu hau Nha Trang anh 2
Stephen Miller, cố vấn thân cận của Tổng thống Trump, được cho là người đứng sau những áp lực nhắm vào cựu bộ trưởng Nielsen. Ảnh: AP.

Nhà Trắng cũng gia tăng đáng kể năng lực xử lý và trục xuất người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp bằng cách huy động thêm nguồn lực và thẩm phán đến khu vực biên giới.

Trong thời gian qua, cố vấn Stephen Miller đã thuyết phục Tổng thống Trump rằng Nhà Trắng không cần cố gắng thông qua chính sách nhập cư mới. Ông nhìn nhận DHS vốn dĩ có đủ quyền lực để hoàn thành chương trình nghị sự cứng rắn.

"Nhiều người không hiểu chính phủ đã thúc đẩy sự thay đổi đáng kể, mà đúng ra phải được thực hiện từ lâu, đối với chính sách nhập cư của Mỹ. Chúng tôi làm được điều đó chỉ bằng cách yêu cầu DHS sử dụng những luật lệ và quyền lực hiện hành ", ông cho biết.

Với cách suy nghĩ này của ông Miller, yếu tố định đoạt thành công của chính sách nhập cư sẽ là quyết tâm của người đứng đầu DHS. Điều này sẽ tăng sức ép lên người kế nhiệm bà Nielsen cho ghế bộ trưởng an ninh nội địa.

Dù cũng nổi tiếng là một nhà quản trị cứng rắn, bà Nielsen vẫn chịu sự ràng buộc của hệ thống pháp luật và không thể thực hiện mọi yêu cầu mà Tổng thống Trump đặt ra, chẳng hạn như việc làm ngơ trước luật tị nạn của Mỹ. 

Bà cũng khiến tổng thống khó chịu khi nhắc nhở rằng có nhiều điều ông không thể thực hiện vì những bất cập trong chính sách. Điều này dẫn đến cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump và ông muốn những người "cứng rắn hơn" đảm trách các vị trí lãnh đạo trong vấn đề nhập cư.

"Trong khi đó, Miller luôn nói 'vâng' với tổng thống, cho ông ấy giải pháp và nói những điều tổng thống có thể làm", một cố vấn tại Nhà Trắng từng tiết lộ.

Bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ đột ngột từ chức

Quyết định từ chức bất ngờ của bà Kirstjen Nielsen được Tổng thống Donald Trump công bố giữa lúc Nhà Trắng chưa tìm ra giải pháp cho số lượng người nhập cư trái phép ngày một tăng.

Huawei khởi kiện chính phủ Mỹ giữa căng thẳng leo thang

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co Ltd cho biết họ đang kiện chính phủ Mỹ về một phần của dự luật quốc phòng hạn chế kinh doanh của họ tại Mỹ.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm