Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 'giữa hai làn đạn' Trung - Nhật
Công du Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật leo thang, ông chủ Lầu Năm Góc Panetta gặp phải bài toán hóc búa khi vừa "làm hòa" với Bắc Kinh, vừa phải bảo vệ đồng minh Tokyo.
Trung - Nhật không ai nhường ai
Trong khi chỉ một số ít người Trung Quốc lặng lẽ tưởng niệm 81 năm ngày đất nước bị Nhật Bản xâm lược, 18/9/1931 thì phần đông còn lại ồ ạt đổ xuống đường tiếp tục các biểu tình chống quốc gia láng giềng vốn đã leo thang cách đây một tuần.
Người biểu tình chống Nhật Bản đụng độ với cảnh sát chống bạo động. |
Báo Trung Quốc hôm nay đưa tin, tại Thủ đô Bắc Kinh, từ sáng sớm cho đến tối mịt, tất cả các tầng lớp lao động trong xã hội bao gồm cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, cũng như giới trí thức nước này đổ xuống đường biểu tình yêu cầu láng giềng trao trả lại các đảo tranh chấp cho Trung Quốc.
Hàng nghìn người Trung Quốc ở mọi tầng lớp hôm qua đổ xuống đường biểu tình chống Nhật Bản. |
Những người biểu tình mang theo hàng trăm lá quốc kỳ tạo thành một biển cờ đỏ trước Đại sứ quán Nhật Bản, nhắc nhở người dân Trung Quốc không được quên những vết thương mà Nhật Bản gây ra cho họ trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Họ ném cà chua, chai lọ và trứng vào Đại sứ quán Nhật Bản và đồng thanh hô vang những câu như: “Nhật Bản dám trơ tráo quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư, tài sản họ từng dùng bạo lực để cướp của Trung Quốc. Đây là một sự thách thức đối với chúng ta và chúng ta phải cho họ thấy rằng, chúng ta không sợ và không thể bị xâm lược một lần nữa”.
Làn sóng biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc từ Thẩm Dương nằm ở miền Đông Bắc đất nước cho tới thành khố miền Tây Nam Trùng Khánh. Tại Thẩm Dương, thành phố đầu tiên của Trung Quốc bị Nhật Bản thôn tính cách đây 81 năm, người dân đồng loạt tập trung ở quảng trường thành phố rung chuông và nghe còi báo động máy bay trong ba phút để kỷ niệm.
Trước sự quá khích của người biểu tình, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản ở khắp Trung Quốc hôm qua đóng cửa không hoạt động bởi lo sợ phải đối mặt với ngày biểu tình chống Nhật tồi tệ nhất trong suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh ấy, tuy nhiên, hôm qua, hai nhà hoạt động Nhật Bản lại đặt chân lên đảo tranh chấp, đổ thêm dầu vào chảo lửa dư luận Trung Quốc đang sôi sục. Chính phủ Trung Quốc lập tức điều 11 tàu chiến xâm nhập vùng biển quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku để răn đe Nhật Bản.
“Việc các nhà hoạt động cánh hữu Nhật Bản đổ bộ trái phép lên lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư là động thái khiêu khích vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ đáp trả “những động thái khiêu khích” như trên bằng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Từ trước tới nay, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều lên tiếng phản đối và cảnh báo mạnh mẽ đối với bất cứ nhóm người nào đổ bộ lên các đảo tranh chấp. Những hòn đảo không có người nhưng được cho là nơi có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ kếch xù đồng thời nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng khi nằm trên tuyến đường hàng hải trọng yếu ở biển Hoa Đông.
Hiện tại, cả hai nước đều triển khai tàu giám hải áp sát vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp, làm gia tăng lo ngại về một cuộc đụng độ có thể xảy ra. Trong khi đó, nhiều cơ quan truyền thông trong khu vực loan tin, 1.000 tàu cá Trung Quốc đang hăm hở ra khơi, hướng về vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp với Nhật Bản.
"Giảm nguy cơ xung đột thông qua các mối quan hệ quân sự"
Trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ Trung - Nhật leo thang đỉnh điểm, hãng tin RT hôm nay đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta đang ở Bắc Kinh với mục đích thúc đẩy “tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế" để tránh xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đón người đồng nhiệm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sang thăm Trung Quốc. |
Trong một tuyên bố, ông Leon Panetta khẳng định, Mỹ có trách nhiệm với Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ để hành động bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản và Trung Quốc nên ủng hộ các biện pháp có tính xây dựng nhằm giải quyết tranh chấp hòa bình.
“Chúng tôi đương nhiên rất quan ngại các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc cũng như kịch bản chiến tranh giữa hai nước bùng nổ liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tôi muốn gửi một thông điệp tới các bên rằng, mọi người cần phải bình tĩnh và kìm chế”, ông Panetta nhấn mạnh.
Trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông Leon Panetta cho rằng, Bắc Kinh nên tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ nhằm để tránh một cuộc xung đột trong tương lai.
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa quan hệ Trung – Mỹ trở thành quan hệ song phương quan trọng bậc nhất thế giới. Chìa khóa để xây dựng mối quan hệ như vậy là tăng cường hợp tác quân sự ngày càng mạnh mẽ hơn giữa hai bên”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Trước đó, hôm 17/9, ông Panetta hội đàm với các quan chức hàng đầu của Nhật Bản. Tại đây, hai bên ký thỏa thuận thiết lập một hệ thống radar phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Nhật Bản. Ngoài ra, sau cuộc hội dàm, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tuyên bố, họ đã đạt được “thỏa thuận chung” rằng, “các hòn đảo tranh chấp nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ năm 1960”.
Đặc biệt, trong thời gian công du Trung Quốc, ông Panetta được trực tiếp diện kiến Chủ tịch tương lai Trung Quốc Tập Cận Bình vốn mất tích một cách bí ẩn suốt hai tuần qua. |
Phương Đăng
Theo Infonet