Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc tại Việt Nam kéo dài 3 ngày, từ 19-21/11. Lễ tiếp đón chính thức Bộ trưởng Mark Esper diễn ra vào sáng 20/11 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch chủ trì.
Theo thông báo của phía Mỹ, ông Mark Esper sẽ thảo luận với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và các nhà lãnh đạo về môi trường an ninh khu vực, cũng như cách thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp phía Mỹ Mark Esper tại lễ đón chính thức sáng 20/11. Ảnh: Reuters. |
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Mark Esper nhằm triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai bộ Quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt-Mỹ.
Việt Nam là một trong bốn điểm dừng chân của ông Esper trong chuyến thăm châu Á thứ hai kể từ khi ông nhậm chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồi cuối tháng 7. Trong chuyến đi hồi tháng 8, ông Esper đã ghé qua Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.
Bộ trưởng Esper tuần qua có đến Thái Lan dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM-Plus). Vấn đề Biển Đông đã được ông đề cập trong cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề hội nghị.
Trong chuyến thăm ngày 19/11 tại Philippines, lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng đưa ra lời kêu gọi các nước trong khu vực cùng hành động để gửi thông điệp "buộc Trung Quốc trở lại con đường đúng đắn" trong vấn đề Biển Đông. Ông bày tỏ quan ngại về những hành động ngày một hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển khu vực.
Ông Mark Esper sẽ thảo luận với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch về môi trường an ninh khu vực, cũng như cách thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Esper nhấn mạnh các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông nhằm gửi thông điệp mọi nước đều cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông khẳng định hoạt động "không nhằm chống lại Trung Quốc, mà nhằm chứng tỏ chúng tôi ủng hộ luật lệ, luật pháp quốc tế".
Lầu Năm Góc vào tháng 8 từng bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông cáo được Lầu Năm Góc công bố giữa lúc tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc tiếp tục có các hành vi quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh cáo việc Trung Quốc "tiếp tục chiến thuật bắt nạt", quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc không thể giành được niềm tin của các nước láng giềng lẫn sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.