Ngày 26/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak bắt đầu làm việc tại TP HCM, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông.
Bộ trưởng Vilsack cho biết, đây là chuyến công tác Việt Nam thứ 2 của ông. Ông chia sẻ với người dân tại một số địa phương đang trải qua đợt hạn hán nặng nề. “Chúng tôi đã gặp tình trạng tương tự ở bang California thời gian qua, nên tôi hiểu rõ sự nghiêm trọng như thế nào”.
Ông nhấn mạnh, chính phủ Mỹ luôn coi trọng hợp tác toàn diện với Việt Nam nói chung, và ở lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ khảo sát các loại trái cây được nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: Lê Quân |
Người tiêu dùng Mỹ chuộng hoa quả Việt Nam
Đề cập đến các hiệp định thương mại, ông nhắc lại những kết quả nghiên cứu cho biết GDP Việt Nam có thể tăng thêm 10% GDP sau khi tham gia TPP, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, từ đó giúp thu nhập của người dân tăng lên. Cơ hội tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ cũng rất lớn. “Người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhiều loại rau quả và trái cây Việt Nam. Một số nông sản Việt đã được giới thiệu ở thị trường Mỹ. Hôm nay, tôi cũng thấy ở đây nhiều trái cây Mỹ được bày bán. Tôi xin nhắc lại, trái cây và các loại rau quả Việt là những nông sản được người dân Mỹ ưa chuộng nhiều", ông Vilsack nói.
Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh, khi tham gia TPP, nền nông nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển chuỗi cung ứng, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Chuyên môn hoá ở từng lĩnh vực như sản xuất nông sản, đóng gói, vận chuyển… dẫn đến tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
“Chúng ta đang thảo luận để cho phép quả xoài, vú sữa Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu xem còn có những loại sản phẩm nào khác mà người tiêu dùng Mỹ có thể yêu thích”, Bộ trưởng Vilsack nói.
TPP tạo ra nhiều việc làm cho nông dân
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cũng trấn an nông dân Việt Nam không nên lo ngại bị mất việc làm, hoặc sản phẩm không thể cạnh tranh với hàng của các nước khác sau khi tham gia TPP. Bởi việc tham gia TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng lên. Khi kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu người tiêu dùng đa dạng và cao hơn. Nông dân sẽ có thêm khách hàng và gia tăng sản lượng sản xuất.
Theo Bộ trưởng Vilsack, điều quan trọng là nhà sản xuất Việt Nam đánh giá vai trò của thị trường Mỹ ra sao. Khi hàng rào thuế quan được giảm và dỡ bỏ, các mặt hàng Việt Nam sẽ rất cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Nhu cầu đối với các nông sản này cũng sẽ tăng theo.
Thông qua các hợp tác thương mại này, Bộ trưởng Vilsack nói: “Nó cũng gửi thông điệp đến các quốc gia khác, như Trung Quốc, rằng chúng ta không phải quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm của họ. Chúng ta vẫn còn nhiều đối tác khác”.
Trước đó, Bộ trưởng Vilsack đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào ngày 25/4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, công nghệ; hoạt động kiểm dịch thực phẩm và sản xuất sạch hơn.
Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ sớm cấp phép nhập khẩu đối với một số các mặt hàng hoa quả của Việt Nam, xem xét lại chính sách để tiếp tục hỗ trợ việc xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Theo Bộ trưởng Vilsack, Mỹ sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường nông sản đối với Việt Nam. Ông cũng đề nghị 2 nước cần tiếp tục nghiên cứu để loại bỏ những rào cản thương mại.