Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nông nghiệp: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

"Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (diễn ra trong 2 ngày 13 và 15/6).

Sáng cùng ngày, khi nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội bắt đầu đã có 90 đại biểu đăng ký phát biểu. Kết thúc buổi sáng, có 26 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu tham gia tranh luận.

Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 1

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trong buổi chiều, các đại biểu phát biểu giảm bớt các vấn đề đã trùng lặp.

  • 'Giải pháp của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ mang tính tình thế'

    Phát biểu tranh luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng giải pháp của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra còn mang tính tình thế. 

     “Ví dụ giá heo hơi hiện nay cung không đủ cầu, có thể chuyển sang ăn những loại gia súc, gia cầm khác. Tôi cho rằng đó là một giải pháp hay. Nhưng tới đây nếu cung cầu ngược lại thì giá heo hơi lại có vấn đề nữa thì giải quyết như thế nào? Như vậy, quay lại ăn thịt heo là chính thì lại ảnh hưởng giá cả của các gia súc, gia cầm khác”, ông Xuân tranh luận.

    Đại biểu này nhấn mạnh cần có những giải pháp đầu tư lâu dài, bền vững để không còn chuyện được mùa, mất giá cứ tiếp diễn và dùng những giải pháp tình thế.

  • Cạnh tranh khách quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt

    Bộ trưởng Thiện cho biết đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau khi Thủ tướng đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động bắt đầu phục hồi dần.

    Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh từng bước mở cửa. Vịnh Hạ Long đã đón 131.000 lượt khách, Tràng An 76.000 lượt khách (trong đó có 1.900 khách quốc tế sinh sống tại Việt Nam), Huế đón 22.900 lượt khách, trong đó có 900 khách quốc tế…

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 2

    11 bảo tàng tiêu biểu trên cả nước cũng đã mở cửa và đón 66.000 khách. Các rạp chiếu phim đã mở cửa, nhưng lượng ghế lấp đầy chỉ khoảng 25%. Các nhà hát đỏ đèn đón khán giả trở lại, hoạt động thể dục thể thao bắt đầu hoạt động.

    Với riêng ngành du lịch, ông cho biết các giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã phát huy tác dụng. Các điểm đến từng bước được mở cửa và đón khách trở lại.

    "Không có lý do gì mà người Việt Nam không đi du lịch Việt Nam. Tôi kính mời nhân dân đi du lịch trong nước", ông nói.

    Ông cho biết Việt Nam sẽ xem xét từng bước mở cửa cho khách quốc tế, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn lên trên hết. Ngoài ra, sau dịch, việc cạnh tranh khách quốc tế giữa các quốc gia sẽ rất khốc liệt. Do đó, Việt Nam phải tận dụng lợi thế của mình.

  • Cuộc sống ở Việt Nam là niềm mơ ước của nhiều nước

    Phát biểu trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dành rất nhiều thời gian để nói về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Phó thủ tướng cho biết Việt Nam với dân số gần 100 triệu người nhưng chỉ có 333 ca nhiễm, chưa ca nào tử vong, và đã qua gần 2 tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng.

    “Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước nhiều nước”, Phó thủ tướng nói.

    Ông khẳng định thành công trong phòng chống đại dịch là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an và các lực lượng khác. Đặc biệt, bạn bè thế giới đều nhận định nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời.

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 3

    Phân tích sâu hơn về nguyên nhân của thành công, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngay từ đầu khi vừa nhem nhóm có bệnh xuất hiện ở Trung Quốc và chưa được đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch căn cơ, bài bản.

    Việt Nam cũng là nước đưa ra những giải pháp sớm và cao hơn một bước so với khuyến nghị. Khi WHO đánh giá dịch “lây nhiễm hạn chế” thì Việt Nam đưa lên “lây nhiễm”. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng khai báo bắt buộc đối với người nhập cảnh.

    “Nhiều giải pháp ta làm ban đầu bạn bè quốc tế có người nghi ngờ, có người tranh luận nhưng sau đều đánh giá giải pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất cương quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, vì chi phí chữa bệnh của ta rất thấp”, ông Đam nói.

    Trễn diễn đàn Quốc hội, ông thay mặt ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả người dân và các lực lượng. Không chỉ hàng ngàn thầy thuốc không có đêm, không có ngày, mà còn có những người lội rừng chống dịch, có người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh.

    Không chỉ hàng nghìn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa đông gió rét đến hôm nóng không ngủ được dọc tuyến biên giới, mà còn bao nhiêu cụ già, trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm gửi quỹ chống dịch; còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng không sa thải nhân viên, cố trả lương dù không có doanh thu hoặc giảm doanh thu; nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, kinh phí chống dịch.

  • Bộ trưởng Nông nghiệp: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

    Giải trình trước trước Quốc hội về vấn đề giá thịt lợn cao sau nhiều câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy trong nước là nguyên nhân cơ bản làm biến động giá. “Quy luật cung cầu chưa gặp nhau thì giá tăng”, ông Cường nói.

    Theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý IV/2020, đàn lợn trong cả nước sẽ đạt số lượng 31 triệu con như trước khi bị dịch. Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy nhanh quá trình tái đàn, tuy nhiên việc khôi phục đàn lợn phải bền vững khi nguy cơ dịch tả lợn quay lại rất cao.

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 4

    Một vấn đề theo người đứng đầu ngành nông nghiệp là giá lợn giống hiện nay rất đắt và cần cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Ông đề nghị các địa phương có thể hỗ trợ người nông dân về vấn đề lợn giống. Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho rằng phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng.

    “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, ông Cường nói.

    Kết luận vấn đề, ông nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp để giá thịt lợn không còn cao gồm tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. “Từng bước cố gắng để giá thịt lợn xuống mức hợp lý, làm sao cung cầu càng gặp nhau sớm, giá càng phù hợp nhất”, Bộ trưởng Cường phát biểu.

  • Đề nghị nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long theo kế hoạch đã phê duyệt, sớm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 120. Nhắc đến quy định bật đèn xe máy cả ngày của ngành giao thông, bà cho biết cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật.

    “Các ý tưởng, sáng kiến xây dựng pháp luật cần sát với đời sống xã hội hơn, hạn chế các quy định khập khiễng. Các cơ quan trình dự án luật cần quan tâm vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội liên quan để sửa đổi, ban hành kịp thời”, nữa đại biểu nói.

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 5

  • Cân nhắc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ

    Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) tranh luận về giải pháp nới lỏng chính sách tài khoá như giãn thuế, ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng như chiết khấu, tái chiết khấu và cấp vốn… nên thị trường lãi suất vừa qua đang được điều chỉnh theo theo hướng giảm. 

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 6

    Theo đánh giá của ông Tuấn, do ảnh hưởng của đại dịch, sự hấp thụ của nền kinh tế còn rất yếu thông qua chỉ tiêu và tăng trưởng tín dụng, mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc thực hiện nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ song song cần có lộ trình phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo chỉ tiêu vĩ mô, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.

  • Nhiều vùng chỉ là các “câu lạc bộ vui vẻ”

    Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) đề cập nhiệm vụ “chuẩn bị cho tương lai” - quy hoạch và lập quy hoạch. Theo bà, quy hoạch là công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư.

    Đặc thù của xây dựng hoạch lần này là các cấp tiến hành đồng thời trong khi nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Việc này sẽ gây khó khăn cho các địa phương. “Đây là một khó khăn, thách thức bởi xây dựng quy hoạch cấp tỉnh trong khi chưa có quy hoạch vùng, quốc gia. Mặt khác, Trung ương đang tính toán phân chia lại các vùng trong cả nước”, bà Hồng nói.

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 7

    Song, nữ đại biểu đặt vấn đề làm sao tạo ra liên kết vùng để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Các địa phương hỗ trợ nhau để tránh tình trạng nhiều vùng hiện nay chỉ là các “câu lạc bộ vui vẻ”. Từ đó, bà Hồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh quy hoạch vùng, quốc gia; chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở khi triển khai quy hoạch tỉnh.

    Đồng thời, bà đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới. “Cần thiết có thể mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sự gắn kết với các địa phương, lan toả động lực phát triển”, nữ đại biểu Bắc Giang góp ý.

  • Đại biểu không được vô cảm với nhân dân

    Đại biểu Hoàng Đức Thắng của đoàn Quảng Trị nhấn mạnh diễn đàn Quốc hội là diễn đàn của nhân dân mà đại biểu là người đại diện. Đại biểu không được vô cảm với nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

    “Tôi dẫn các vụ án gây xôn xao dư luận và hoài nghi trong nhân dân là có thật. Tôi không đánh giá việc xử lý đúng hay sai. Đây phải chăng là thông điệp, kiến nghị để ngành tòa án, các cơ quan tư pháp rà soát lại có đúng như dư luận hay không. Nếu không đúng thì đó là điều hạnh phúc. Nếu chưa tốt thì phải làm cho tốt để thông tin lại cho dân”, ông Thắng phát biểu.

    Quoc hoi thao luan ve tinh hinh KTXH anh 8

  • Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế

    Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) kiến nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét, điều một số chỉ tiêu của năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn trước khó khăn về kinh tế, ngân sách do tác động của dịch Covid-19. Ông đồng thời đề nghị cần nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

    Đại biểu Tiến cũng nêu ý kiến cần đẩy nhanh tiến độ tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng dự toán thu ngân sách 2020.

  • Theo đánh giá của người điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chất lượng phát biểu nói chung khá tốt và tương đối toàn diện. Ông đề nghị chiều nay các đại biểu phát biểu sâu thêm về các vấn đề phiên thảo luận buổi sáng ít đề cập, giảm bớt các vấn đề đã trùng lắp.

    Phó chủ tịch Quốc hội cho biết trong chiều nay, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham gia phát biểu.

'Hoãn tăng lương là hy sinh cho quốc gia, dân tộc'

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra sử dụng vào những mục tiêu nào.

Hoài Thu - Việt Đức

Bạn có thể quan tâm