Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nội vụ nói về đề xuất sáp nhập 4 bộ và 10 tỉnh

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng đề xuất sáp nhập 4 bộ và 10 tỉnh cần xem xét, tổng kết lại cho phù hợp vì quy mô mỗi địa phương, bộ ngành khác nhau.

Sáng 1/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất giảm 4 bộ và 10 tỉnh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay từ Nghị quyết 18 của hội nghị Trung ương 6, có những điều áp dụng làm ngay, cũng có những điều nghiên cứu định hướng làm thí điểm...

"Những việc làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương. Chúng ta đang rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công", ông Lê Vĩnh Tân nói.

Cũng theo ông các cơ quan chuyên môn của các ngành như y tế cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Một số nhiệm vụ sắp tới của việc sắp xếp lại bộ máy thì có thể chuyển giao phân cấp giữa trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối.

De xuat sap nhap cac bo,  tinh thanh anh 1
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn

Nói về lộ trình sáp nhập các cơ quan, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ được được Thủ tướng giao cho 2 chương trình hành động. Đó là thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước; cái thứ 2 là sắp xếp lại các đơn vị theo Nghị quyết 18 của hội nghị Trung ương 6, bám vào nội dung Nghị quyết để xây dựng lộ trình các bước thực hiện.

Về đề xuất sáp nhập các tỉnh thành có quy mô nhỏ lại với nhau, ông Lê Vĩnh Tân cho hay Nghị quyết 18 chỉ đề cập đề các cơ quan chồng lấn chức năng nhiệm vụ thì rà soát lại. "Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh", vị bộ trưởng nói.

Đánh giá về đề xuất của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tân cũng cho rằng cần phải tổng kết, xem xét lại vì quy mô mỗi một tỉnh phù hợp với điều kiện đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thi khác nhau mới đánh giá được. Còn việc sáp nhập các bộ, ông cũng cho biết hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Trước đó, phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp.

Trao đổi thêm với báo chí, đại biểu Hòa cho biết thêm quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, hiện 50% số xã không đạt chuẩn theo quy định này. Ông Hòa góp ý: "Cần sáp nhập các xã nhỏ, sau đó tính toán hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện và tỉnh, những nơi có ít dân số. Hiện, nhiều tỉnh dân số thấp như Bắc Kạn chỉ hơn 300.000 dân, một số nơi khoảng 800.000 dân".

De xuat sap nhap cac bo,  tinh thanh anh 2
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trao đổi với báo chí. Ảnh: Thắng Quang.

Theo tính toán của ông Hòa, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ giúp thu gọn đầu mối và giảm biên chế, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. "Có thể sáp nhập để giảm 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, giảm được 3-4 bộ có chức năng, nhiệm vụ nhiều điểm tương đồng. Qua đó, mỗi năm sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng chi thường xuyên", ông Hoà nêu.

Vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích thời gian đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức, bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường. "Như Hà Tây và Hà Nội, dân số lớn nhưng khi sáp nhập vẫn hoạt động hiệu quả", Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói.

Toàn cảnh nhân lực của bộ máy Nhà nước Cả nước có 2,5 triệu biên chế, chưa kể con số trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ cần giảm 1,5% biên chế mỗi năm, chi ngân sách sẽ giảm 800-900 tỷ đồng.

Bộ máy phình to sau 5 năm tinh giản

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho rằng dù nhiều bộ, ngành địa phương thừa lãnh đạo nhưng vẫn thiếu cấp phó... đi họp. Còn đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm ngay cấp phó.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm