Dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã cùng Zing.vn nhìn lại những thành tựu của ngành nông nghiệp năm 2016 và hướng đi của “con đường của nông nghiệp Việt” thời gian tới.
Môi trường đầu tư nông nghiệp thông thoáng
- Ông đánh giá như thế nào về thành tựu của ngành nông nghiệp năm 2016?
- 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với ngành nông nghiệp trong nhiều năm nay, như: Đợt rét lịch sử 50 năm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên; xâm nhập mặn lịch sử trong vòng 100 năm ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; từ tháng 10 đến tháng 12 năm đợt lũ lịch sử đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đây là một năm ngành nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp đạt được một số kết quả nổi bật. Sáu tháng đầu năm, nông nghiệp lần đầu tiên trong 10 năm qua tăng trưởng âm 0,18%. Dù vậy, kể từ quý 3 trở đi, bằng các giải pháp nỗ lực, ngành nông nghiệp đã dần lấy lại được đà tăng trưởng dương. Cuối năm, con số tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,2%.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản tăng cao nhất từ trước đến nay khi cán đích hơn 32 tỷ USD.
- Ngay khi nhậm chức, ông đã có những định hướng rất rõ ràng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, ông luôn nhắc tới và đề cao vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp. Vậy, các doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc thay đổi nền sản xuất nông nghiệp?
- Năm 2016, gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như TH, Vingroup, Hòa Phát, Dabaco…Điều đó cho thấy chủ trương, chính sách của chúng ta bước đầu đã đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ với báo chí. Ảnh: Bảo Lâm. |
Thực tế, chúng ta mới có 5.000 doanh nghiệp trên tổng số già nửa triệu doanh nghiệp đầu tư tại khu vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp cũng đang tiếp tục cải cách hành chính, theo đó tất cả những cơ quan quản lý phụ trách những ngành đầu vào phải quản lý tốt hơn những cơ quan cấp phép, thủ tục hành chính phải làm sao gọn hơn và hiệu quả hơn, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Chính phủ nêu cao tinh thần kiến tạo, đồng hành và tạo động lực cho doanh nghiệp, nhất là khâu khởi nghiệp. Ở góc độ ngành nông nghiệp, Bộ đã có những động thái như thế nào để thể hiện rõ tinh thần này và những kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
- Năm 2016 đã được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Quán triệt tinh thần trên, Bộ Nông nghiệp đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Chương trình xúc tiến mở rộng thị trường; hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua đó gia tăng cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại.
Nông nghiệp sạch là đòi hỏi bức bách
- Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ông có nhắc tới 3 trọng tâm chính của ngành, đó là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể hướng đi này sẽ như thế nào đối với Việt Nam?
- Tôi phải nói nông nghiệp sạch không phải là một hướng gì nữa, mà là đòi hỏi bức bách, trước hết là đòi hỏi của 92 triệu dân chúng ta. Tiếp nữa là đòi hỏi của thị trường quốc tế, do đó sản xuất nông nghiệp sạch là một nguyên tắc, một tôn chỉ để nông nghiệp Việt Nam chúng ta tiếp tục phát triển. Để làm được nông nghiệp sạch, gồm rất nhiều vấn đề, trong đó khái quát lại:
Thứ nhất là phải quản trị, kiểm soát thật tốt yếu tố đầu vào của sản xuất từ vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn gia súc...
Người dân ngày càng đòi hỏi chất lượng cao từ các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thắng Quang. |
Thứ hai, chúng ta phải hình thành được chuỗi sản xuất lớn, không thể quản lý được rộng khắp, hiệu quả với cả 13,8 triệu hộ, mà chỉ có thể quản trị tốt những vùng lớn, có doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt với những mặt hàng cụ thể, với công nghệ tốt.
Thứ ba, để có nền nông nghiệp sạch chúng ta phải tập trung tuyên truyền. Người tiêu dùng ai cũng thích sản xuất sạch và ai cũng thích tiêu dùng sản phẩm sạch, nên chúng ta phải tuyên truyền nhiều hơn cho dân biết.
- Chính phủ có gói hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì giải pháp phát triển của ngành nông nghiệp như thế nào để gói đó các đơn vị có thể tiếp cận, cụ thể hóa vào thực tế?
- Nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng chung của nền nông nghiệp thế giới, trong đó đặc biệt Việt Nam.
Chúng ta có những điều kiện hết sức thuận lợi, nếu tranh thủ được công nghệ mới, được công nghệ tốt thì có thể hình thành một nền sản xuất nông nghiệp mang bản sắc, mang lợi thế tài nguyên và tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, có lợi thế cạnh tranh.
Thủ tướng cũng đã cam kết một gói tín dụng yêu cầu để hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao 60.000 tỷ đồng. Do đó, các đơn vị liên quan cần cụ thể hóa, tạo các chính sách giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiếp cận với gói này để họ có điều kiện tranh thủ công nghệ cao nhất đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.