- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
- Cùng “chia lửa” với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể và một số thành viên Chính phủ khác.
-
Trình Quốc hội chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm
Tại phiên chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KHĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
“Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn bộ tới nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chương trình sẽ đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng 2021-2025 là 6,5-7%. Ông Dũng nói và cho biết dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm. Chương trình dự kiến kéo dài trong 2 năm (2022-2023).
-
Không nới bội chi và nợ công khó tăng trưởng
Cũng trong phiên chiều 11/11, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu Chính phủ hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân thì rủi ro, nguy cơ lớn là tăng lạm phát.
Ông cũng thể hiện quan điểm ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng có thể kiểm soát được vì nếu không nới thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng.
“Không tăng trưởng thì không thể thực hiện các mục tiêu đề ra như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, chiến lược 2021-2030, khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.
Cũng từ đó, ông cho rằng Việt Nam có thể bỏ hết các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ "dân số vàng" hay từ các hiệp định thương mại tự do, lỡ nhịp cuộc chơi và tụt hậu.
Ông đề nghị nghiên cứu nới bội chi và nợ công để thúc đẩy quy mô nền kinh tế lớn lên, khi đó tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống, có thể cao hơn số cũ một chút nhưng có thể chấp nhận được. Bộ trưởng KHĐT nhắc lại nếu không nới nợ công và bội chi sẽ không có đầu tư, không có phát triển.
-
Chương trình phục hồi kinh tế sẽ tính đến khả năng trả nợ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cách tiếp cận xây dựng chương trình khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 7 định hướng lớn.
Trước hết là tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ đó chủ động xây dựng phương án và kịch bản để đối phó.
Hai là xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.
Ba là vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn vừa lồng ghép với chiến lược, kế hoạch 5 năm trong dài hạn.
Bốn là các chính sách phải bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động của các tổ chức tín dụng và các chỉ tiêu về nợ công, lạm phát.
Năm là các chính sách này hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế và an sinh xã hội, lao động việc làm và phải có trọng tâm trọng điểm.
Sáu là phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.
Cuối cùng là có nhóm giải pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra.
-
Chương trình phục hồi kinh tế phải mạnh dạn hơn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KHĐT tiếp cận theo 2 kịch bản là không có chương trình phục hồi hoặc có chương trình phục hồi. Từ đó xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát với từng kịch bản.
Hiện Bộ KHĐT đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội tính toán về việc sử dụng các công cụ về chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng như khả năng phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế.
“Về quan điểm, chúng tôi cho rằng phải mạnh dạn hơn để phát triển kinh tế, đảm bảo phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo tăng trưởng quy mô GDP của nền kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn về nợ công và bội chi ngân sách”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh công cụ quan trọng nhất là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả, nợ xấu… điều chỉnh điều hành linh hoạt cung tiền để giảm áp lực lạm phát. Bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, đầu tư công, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia.
-
Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp nội trong giai đoạn hiện nay. 9 tháng đầu năm, ông An cho biết 91.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Ông đề nghị Bộ trưởng đánh giá kỹ đối với các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trong gói hỗ trợ, cần điều chỉnh mức lãi suất hợp lý. Nếu số doanh nghiệp này không hồi phục kịp thời, ông tin rằng mức tăng trưởng 6,5% GDP sẽ rất khó khăn.
Thừa nhận thực trạng mà địa biểu An nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới doanh nghiệp khỏe, có doanh thu, có lợi nhuận. Song, doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.
Các doanh nghiệp nhỏ chưa được hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách tài khóa, mới chủ yếu là chính sách chung. “Chúng tôi lưu ý vấn đề này để tham mưu Chính phủ có chính sách cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn mà không có doanh thu, không có lợi nhuận”, ông Dũng nói.
-
Tranh luận về tăng bội chi và nợ công
Tranh luận với Bộ trưởng KHĐT về khả năng tăng bội chi và nợ công, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công và các yếu tố liên quan trước khi quyết định.
Ông phân tích về nợ công cuối năm 2021 ước tính 44% GDP - ở mức thấp, do từ năm 2021 ta điều chỉnh tăng GDP theo cách tính mới. Do đó giá trị tuyệt đối của nợ công không giảm nhưng mẫu số GDP tăng nên tỷ lệ này thấp. “Việc này tạo cảm giác còn dư địa tăng nợ công nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy”, ông Nam nói.
Ông dẫn lời Bộ trưởng Tài chính trong giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 dự kiến vay 3,068 triểu tỷ nên nợ công dự kiến năm 2025 khoảng 45,6% theo GDP mới, còn nếu tính theo GDP cũ khoảng 57,9% - tức đã vượt ngưỡng 55%.
“Vì vậy nếu phải ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính và các cân đối vĩ mô thì phải thận trọng”, ông Nam phân tích.
Về bội chi, ông Nam cho biết Chính phủ đặt mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,7% GDP, như vậy, nếu tăng bội chi 1% sẽ tăng gánh nặng giảm thấp tỷ lệ này trong những năm tiếp theo nên phải thận trọng tỷ lệ nợ công và bội chi để hạn chế rủi ro.
“Trước khi tính đến kịch bản tăng nợ công và bội chi nên tính đến sử dụng các gói kích cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giảm bội chi và tăng cường quản trị nguồn lực hiện có, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Nam nêu quan điểm.
Chia sẻ với quan điểm của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng chương trình phuc hồi kinh tế đã được tính toán thận trọng, trong đó có lưu ý vấn đề tăng bội chi và nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế để không phá vỡ an toàn tài chính chung.
Ông nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn nên phải tính toán thận trọng đảm bảo phục hồi, phát triển nền kinh tế và cân nhắc vấn đề an toàn tài chính. Cụ thể trong vấn đề này, ông Dũng cho biết sẽ được Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ sau.
Riêng về đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã nói rất nhiều, đây là vấn đề nan giải mà chưa giải quyết được triệt để. “Giải pháp đột phá để giải ngân cao hơn trong năm tới rất quan trọng, nếu làm không tốt thì kể cả gói hỗ trợ có tập trung cho đầu tư công cũng rất khó hấp thụ và giải ngân được”, ông Dũng nói.
-
Tại sao không hỗ trợ dân trực tiếp bằng tiền mặt?
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đưa ý kiến đồng tình với nhiều quan điểm Bộ trưởng KHĐT đã nêu về kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cho biết câu hỏi của ông là theo các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn quy mô khoảng 3-4% GDP, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chứ không phải cần gói hỗ trợ 3-4% GDP bằng tiền mặt.
Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và sẽ phải vượt bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Nhưng nếu gói hỗ trợ không đủ lớn sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi so với các nước và kéo theo nhiều hệ lụy.
Ông cũng đánh giá trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ hiện nay cũng không thể hiện rõ một kế hoạch tổng thể và một mức chi cho gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Trên từng lĩnh vực thì đã có báo cáo về các gói hỗ trợ này tuy nhiên còn rất riêng lẻ, đại biểu Hiển cho biết mong muốn ở đây là cần có một kế hoạch tổng thể, thống kê, tổng hợp và dự báo đầy đủ.
Ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần có chương trình để huy động cả nguồn lực bên ngoài ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ KHĐT và Chính phủ làm rõ các vấn đề này.
Trả lời phần tranh luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc quan trọng đặt ra nếu không nới trần nợ công và trần bội chi thì sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, nếu nới các chỉ tiêu này mà thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế, mất cân đối vĩ mô, cân đối lớn.
“Vậy nới bao nhiêu là đủ, 1-2% hay nhiều hơn, nới ra rồi thì huy động bằng cách nào, xử lý vào đâu cho hiệu quả”, Bộ trưởng KHĐT chia sẻ.
Theo ông Dũng, hiện nay các vấn đề này đang được các bộ, ngành tính toán và chưa đưa ra kịch bản 1 cách cụ thể, Các kịch bản đã được xây dựng nhưng tạm thời chưa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này mà phải cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng và báo cáo các cấp thẩm quyền trước khi đưa ra trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh sẽ lưu ý các vấn đề đại biểu Hiển chia sẻ trong quá trình xây dựng chương trình.
-
Chậm lập quy hoạch vì lần đầu tiên làm quy hoạch tổng thể
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc triển khai lập quy hoạch còn chậm.
Giải thích vì nguyên nhân khách quan, ông Dũng cho biết do chúng ta lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp, làm quy hoạch tổng thể. “Trước đây cả nước chưa bao giờ làm quy hoạch tổng thể mà chỉ làm quy hoạch từng ngành. Cũng vì lần đầu tiên nên năng lực tư vấn và các kiến thức các cơ quan chưa theo kịp, số lượng nhiều, làm đồng thời trong cùng một thời gian nên thực hiện còn đang rất khó”, ông Dũng trần tình.
Đến nay, ông thông tin đã xây dựng xong khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để tình Thủ tướng; quy hoạch 5 vùng kinh tế còn lại cũng cơ bản đã xong tới phần nghiên cứu và đang lấy ý kiến hoàn thiện, sẽ trình Thủ tướng sớm nhất trong tháng 11-12 để các địa phương, bộ ngành dựa trên khung định hướng này lập quy hoạch của ngành, địa phương mình mà không nhất thiết chờ xong quy hoạch cấp trên mới lập quy hoạch cấp dưới.
Với các quy hoạch ngành, Bộ trưởng KHĐT đã có 19/38 quy hoạch đã hoàn thành, quy hoạch tỉnh có 20/63 quy hoạch đã hoàn thành.
Ông Dũng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã có 2 nghị quyết đôn đốc yêu cầu tất cả quy hoạch từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh phải hoàn thành trước 31/12.
“Chúng tôi đang đôn đốc các địa phương, bộ ngành để đảm bảo tiến độ trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
-
Sẽ làm đường ven biển Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Trần Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) về việc đầu tư 2 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có làm đường ven biển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ đây là dự án ODA nên chúng ta không chỉ thực hiện một quy trình, thủ tục theo quy định của luật trong nước mà còn phụ thuộc quy trình nước ngoài, nên mất thời gian hơn. Song theo ông Dũng, nếu không làm nhanh theo thủ tục rút gọn hay quy trình đặc biệt thì khó triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu để hài hòa hóa các thủ tục trong nước nước và nước ngoài để làm sao đảm bảo quy định nhưng rút ngắn thời gian, mục tiêu là triển khai ngay trong 2021-2025 để giúp Đồng bằng ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng KHĐT cam kết.
-
Còn dư địa để giảm lãi suất?
Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động nghiệm trọng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, trong tổ chức điều hành về lãi suất, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và mặt bằng đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.
Thống đốc NHNN cho biết thêm từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 30.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện giảm từ nay cho đến cuối năm. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng tiền phí cho các khách hàng.
“Thông qua các chính sách giảm lãi suất, phí này đã giảm được chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và người dân”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Lãnh đạo NHNN cho biết nhiệm vụ của hoạt động quản lý tiền tệ là đảm bảo điều hành của ngân hàng trung ương, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát và đảm bảo vai trò huyết mạch của nền kinh tế.
Theo đó, các TCTD phải vừa hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả để sẵn sàng khả năng chi trả cho khách hàng vừa phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc xem xét các chính sách, công cụ thời gian tới, NHNN luôn phải đảm bảo đạt được 2 mục tiêu. Đồng thời, đảm bảo các cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách.
Thống đốc cho biết để có thể xác định còn dư địa giảm lãi suất nữa hay không, qua đánh giá thực trạng về hoạt động tiền tệ của ngân hàng và kinh tế vĩ mô, NHNN cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay có thể đạt được (lạm phát đến hết tháng 10 là 1,81%). Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.
Phân tích rõ hơn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các nền kinh tế thế giới đang gần phục hồi khi chiến lược vaccine bao phủ, điều này dẫn tới giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, các chỉ số của giá nhiều mặt hàng hóa như xăng dầu đã tăng 55% so với cuối năm trước. Các nước phát triển thì lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử với Mỹ tăng 5,3% trong tháng 9.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mới cửa lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP nên áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Về chính sách lãi suất, lãnh đạo NHNN cho biết các ngân hàng trung ương thế giới đang có xu hướng dừng chính sách nới lỏng tiền tệ. Hiện có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.
Trong khi đó, với thị trường trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách, nên khi nợ xấu gia tăng chắc chắn bản thân các ngân hàng phải sử dụng nguồn lực tự có để xử lý.
“Nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước khi mà tăng trưởng tín dụng cao, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất năm 2008, không tính toán cẩn thận dẫn đến rủi ro lạm phát năm 2011, có thời điểm lên tới 18%”, Thống đốc nhấn mạnh.
Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động dây chuyền.
Đồng thời NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ KHĐT để tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, đối tượng hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
-
Có thể phát hành trái phiếu để huy động 180.000 tỷ trong dân
Trả lời một số câu hỏi về chính sách tài khóa trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng sẽ áp dụng linh hoạt các chính sách về thuế, thu chi ngân sách đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Đối với chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục áp dụng giãn, hoãn thuế, phí, giảm thuế đối với giá xăng dầu lĩnh vực hàng không. Ngoài ra, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ sản xuất kinh doanh; giãn khoản thuế cho hộ, doanh nghiệp chậm nộp khi làm ăn thua lỗ.
Bên cạnh đó, ông Phớc cho biết Bộ sẽ tập trung thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử để tránh hoàn thuế, trốn thuế.
Ông cũng cho biết đến nay, nợ công của nước ta là 56,8%, vẫn dưới 60% nhưng vượt ngưỡng cảnh báo (55%). Dư nợ Chính phủ là 51,8%, như vậy năm 2021 nợ công khoảng 3 triệu 750 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính cho biết ông ủng hộ các gói kích cầu, song các gói này phải phát huy hiệu quả để tăng thu ngân sách mà không tăng bội chi ngân sách.
Ông cho biết đã tính đến việc huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm.
Song, ông cũng lưu ý khi nền kinh tế có nguồn tiền rồi, liệu có hấp thụ được tốt không và hấp thụ ở những lĩnh vực nào, ông cho rằng nên tập trung vào các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo đột phá để tăng trưởng. Ông cho rằng nên sớm lập các dự án để có thể sử dụng hiệu quả nguồn tiền trong các gói kích cầu.
Về chi ngân sách, ông Phớc cho rằng trước mắt cần tiết kiệm chi thường xuyên mà chuyển sang chi đầu tư phát triển. Ông cho biết đã cắt giảm được 10% chi thường xuyên, thời gian tới Bộ đề nghị cắt giảm tiếp 10% nữa để đầu tư và chống dịch.
-
Chưa nên đặt vấn đề sửa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng về những quy định không còn phù hợp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như việc kéo dài thời hạn giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2023.
Trả lời, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng nhưng mới ban hành, Chính phủ mới ban hành Nghị định 80 để hướng dẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong luật này. Hiện nay, các quy định liên quan đang được triển khai thực hiện, còn vấn đề gì cần triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp thì Chính phủ chỉ đạo rà soát, nghiên cứu để bổ sung vào Nghị định 80.
“Tôi nghĩ thời gian tới chúng ta cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 80, hỗ trợ cho các cụm liên kết ngành, chuyển đổi số cho doanh nghiệp… là những thứ cần làm ngay, còn đặt vấn đề sửa luật thì chưa nên. Chúng ta sẽ chậm lại để có đánh giá, tổng kết sau”, ông Dũng nói.
-
Tiềm năng của kinh tế sáng tạo tại Việt Nam?
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng KHĐT, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho biết ngành kinh tế sáng tạo với trụ cột chính là công nghiệp sáng tạo hiện nay được nhiều quốc gia quan tâm và coi là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.
Theo báo cáo của UNESCO năm 2015, kinh tế sáng tạo đóng góp khoảng 3% GDP của thế giới với doanh thu 2.250 tỷ USD, dự báo đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% GDP thế giới. Theo hãng tư vấn PwC, trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, ngành kinh tế sáng tạo dự báo vẫn sẽ đạt tăng trưởng tích cực 4,6% trong năm 2021.
“Đánh giá của Bộ trưởng KHĐT về quy mô và tiềm năng của ngành kinh tế sáng tạo tại Việt Nam như thế nào và giải pháp để thúc đẩy ngành kinh tế sáng tạo này”, ông chất vấn.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng KHĐT cho biết hiện nay, khái niệm về kinh tế sáng tạo hay cụ thể hơn là kinh tế số chưa có một nghiên cứu đầy đủ về khái niệm cụ thể là như thế nào, hiện nay sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau.
Theo nghiên cứu mới thì tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam có thể đạt 29-30%/năm. Như vậy, Việt Nam đang rất có tiềm năng phát triển lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tại Nghị quyết của Đại hội Đảng cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP cả nước, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.
Những vấn đề này đã được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Chiến lược này trước hết tập trung vào xây dựng hạ tầng số trong nước, hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng có sở dữ liệu, để xây dựng nền tảng, mang lại lợi ích hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi số nhanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang được thực hiện.
-
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn
Trả lời những thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến hết tháng 9/2021, bình quân giải ngân vốn đầu tư cả nước là 47.8% nhưng ngành GTVT đã giải ngân 61,2%.
“Điều này thể hiện sự quyết tâm của Bộ GTVT, tuy nhiên trong đó còn có 2 dự án trọng điểm còn triển khai chậm là dự án sân bay Long Thanh và cao tốc Bắc - Nam phía đông với nhiều nguyên nhân”, ông Thể nói.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT cho biết tại Nghị quyết 52 có quyết định 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đối tác công - tư. Với 3 dự án đầu tư công, đến thời điểm này đã bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội và dự kiến hoàn thành đúng tiến độ. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án cầu dây văng lớn, Quốc hội đã cho phép hoàn thành cuối năm 2023. Dự án này đến nay đã đạt tiến độ khoảng 70%.
Tháng 6/2020, chúng ta đấu thầu các dự án đối tác công - tư gồm cả đầu thầu quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu gặp nhiều khó khăn do các nhà đầu tư lớn về tài chính ít tham gia, trong khi đó lại có nhiều nhà đầu tư tham gia là các nhà thầu.
Sau đó, dưới tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chuyến một số dự án sang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ. Quốc hội sau đó đã ban hành Nghị quyết 117 chuyển 3 dự án sang đầu tư công và cho phép đến năm 2022 sẽ hoàn thành.
Đến nay, 3 dự án này đã đạt tiến độ khoảng 20-35%. Với khó khăn lớn nhất về đất sét đắp nền, vừa qua Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết 60 và 133, đến nay thủ tục mở các mỏ đất đã đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng GTVT cam kết sẽ tập trung tiến độ để hoàn thành 3 dự án này vào cuối năm 2022.
Đến tháng 2, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyển 2 dự án sang đầu tư công và cho phép Bộ GTVT hoàn thành 2 dự án này vào cuối năm 2023. Đến nay cả 2 dự án đã được triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp và đạt tiến độ 2-5%. Ông Thể tiếp tục cam kết hoàn thành 2 dự án này đúng theo Nghị quyết được Quốc hội giao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết một số dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đạt tiến độ khoảng 20-35%. Ông cam kết sẽ đưa dự án về đích đúng hẹn vào năm 2023.