Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng KHĐT: ‘Không nới bội chi và nợ công, rất khó tăng trưởng’

Ủng hộ nới bội chi và tăng nợ công trong khoảng có thể kiểm soát, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu không rất khó thúc đẩy tăng trưởng và sẽ “lỡ nhịp cuộc chơi”.

Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng chiều 11/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đã đặt ra vấn đề rất nhiều người quan tâm, đó là việc cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

"Nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực", đại biểu nêu băn khoăn và hỏi quan điểm của Bộ trưởng trong vấn đề này.

noi no cong va boi chi de tang truong anh 1

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hồng Phong.

Thúc đẩy quy mô nền kinh tế lớn lên

Gửi thêm câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng, ông Hiển cũng đặt vấn đề: "Chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?".

Chia sẻ với băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân thì rủi ro, nguy cơ lớn là tăng lạm phát.

Ông cũng thể hiện quan điểm ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng có thể kiểm soát được vì nếu không nới thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng.

“Không tăng trưởng thì không thể thực hiện các mục tiêu đề ra như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, chiến lược 2021-2030, khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển", ông Dũng nói.

Cũng từ đó, ông cho rằng Việt Nam có thể bỏ hết các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ "dân số vàng" hay từ các hiệp định thương mại tự do, lỡ nhịp cuộc chơi và tụt hậu.

Ông đề nghị nghiên cứu nới bội chi và nợ công để thúc đẩy quy mô nền kinh tế lớn lên, khi đó tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống, có thể cao hơn số cũ một chút nhưng có thể chấp nhận được. Bộ trưởng KHĐT nhắc lại nếu không nới nợ công và bội chi sẽ không có đầu tư, không có phát triển.

noi no cong va boi chi de tang truong anh 2

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng ủng hộ việc nới trần nợ công và bội chi để tạo động lực tăng trưởng. Ảnh: Hồng Phong.

Trước đó, trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ quan điểm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh chương trình này phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, ông nhấn mạnh phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết chương trình cần tập trung tập trung vào những chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ đồng thời phải tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa…

Chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi, hiệu quả, hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với khả năng vay - trả của nền kinh tế.

Một điều kiện nữa là phải phục hồi phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128.

Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ kinh tế trước đây

Người đứng đầu Bộ KHĐT cũng giải đáp thêm về các gói kích thích, phục hồi kinh tế cũng như thời điểm chính xác kích hoạt các gói này. Đây là chất vấn đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) dành cho ông.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, gói kích cầu đầu tư năm 2018-2019 (riêng quy mô gói năm 2019 là 5,7 tỷ USD) chủ yếu tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Gói này đã giúp đất nước vượt qua được khủng hoảng và trở thành một trong số ít các nước có tăng trưởng dương.

Song ông Dũng thừa nhận gói này cũng có những hạn chể nhất định như chính sách hỗ trợ lãi suất lớn, thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách.

“Có hiện tượng vay từ vốn rẻ, gửi sang ngân hàng khác để ăn chênh lệch, vốn không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán và bất động sản”, ông nêu thực tế.

Từ đó, bài học kinh nghiệm được Bộ trưởng KHĐT chỉ ra là cần chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các hỗ trợ phải được thực hiện cho cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, theo ông Dũng, cần tập trung vào các chính sách tác động ngay, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo khả thi, hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế...

"Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra", ông Dũng thông tin.

Tranh luận chậm giải ngân vốn đầu tư công, 'có tiền không tiêu được'

Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công kéo dài đã nhiều năm. Bộ trưởng KHĐT giải trình nhiều lý do và khẳng định tất cả do tổ chức thực hiện.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm