"Các công ty lớn đang thành công vẫn có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển nhưng phải phân mình từ một tổ chức thành hai tổ chức độc lập, với hai cách vận hành khác nhau, hai văn hóa khác nhau" - Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước hàng chục người đứng đầu doanh nghiệp chiều 5/4 tại Diễn đàn CEO 2019. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây là việc không dễ.
Làm ngược
Theo Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo bao giờ cũng phải bắt đầu từ nhận thức và tư duy. Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể hiểu theo nghĩa sử dụng công nghệ, chủ yếu là công nghệ số, để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh từ quản trị đến sản xuất, bán hàng.
“Với cách tiếp cận này, thì từ khóa quan trọng nhất là thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn trong mọi hoạt động. Và công cụ quan trọng nhất giúp cho quá trình này là công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ 4.0”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: T. N. |
Theo Bộ trưởng, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra mà tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ và đổi mới sáng tạo xảy ra là vào đúng lúc này. Khi đó, hạ tầng cũ, cách làm cũ, tri thức cũ, sản phẩm cũ, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp.
“Chúng ta cần hạ tầng mới, cách làm mới, tri thức mới, sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới. Rất nhiều thứ chỉ đơn giản là làm ngược lại. Trước đây, tìm mọi cách để tránh sai lầm thì nay là sai nhanh hơn giúp chi phí rẻ hơn. Trước đây học trước làm sau thì nay làm trước học sau. Vì cái mới chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử”, ông nói.
Bộ trưởng cũng lấy ví dụ trước đây có việc trước rồi tìm người làm sau thì nay tìm người phù hợp trước rồi mới nghĩ đến làm gì vì việc làm mới nên cần những người giống nhau ở chỗ đam mê, khám phá. Trước đây sức mạnh của doanh nghiệp là đông người thì nay là sức mạnh là ít người để phản ứng nhanh và chuyển động nhanh.
3 cách tiếp cận của những công ty lớn
Bộ trưởng TTTT cho rằng điều quan trọng nhất đối với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình.
Ông cho rằng một công ty thành công đứng số 1 thường sụp đổ khi xuất hiện những công nghệ mới đột phá. Do đó, sự đổi mới sáng tạo thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới, với công nghệ mới mang tính đột phá, công nghệ mới mang tính phá hủy.
Với góc nhìn này, các công ty lớn và thành công có những khuyết tật chết người và tạo ra cơ hội cho các công ty mới, công ty nhỏ. Muốn vươn lên trở thành công ty lớn thì phải dựa vào công nghệ mới đột phá, đi từ các thị trường mới quay lại lật đổ các thị trường truyền thống hiện tại.
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất đối với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình. Ảnh: Lê Quân. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng hoàn toàn có cách để các công ty lớn đang thành công. Ông đưa ra 3 cách tiếp cận.
Thứ nhất, các công ty lớn có thể thúc đẩy các công nghệ và thị trường mới để nó trở thành đủ lớn.
Thứ hai, chờ cho thị trường mới, công nghệ mới ngày càng rõ nét, và gia nhập thị trường khi đã đủ lớn và ngày càng hấp dẫn.
Thứ ba, giao trách nhiệm thương mại hóa công nghệ, đột phá cho các bộ phận mới, đủ nhỏ để hiệu suất kinh doanh của chúng chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới. Nhưng bộ phận mới này phải hoạt động theo các quy trình mới và hệ giá trị mới.
Các nghiên cứu cho thấy cách tiếp cận thứ ba có nhiều hứa hẹn hơn. Cách thứ nhất khó thành công vì công nghệ mới thị trường mới không tạo ra sự bùng nổ trong thời gian ngắn. Cách thứ hai thì lại quá muộn.
“Dưới góc nhìn này thì các công ty lớn đang thành công vẫn có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển nhưng phải phân mình từ một tổ chức thành hai tổ chức độc lập, với hai cách vận hành khác nhau, hai văn hóa khác nhau. Và đây là một việc không dễ”, ông nói.
Cơ chế tạo thành công là kẻ thù của sự thay đổi
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự thay đổi, nhưng chính các cơ chế, hệ giá trị, quy trình từng giúp công ty thành công lại là kẻ thù của sự thay đổi. Do vậy, chính các năng lực của tổ chức cũng là thứ mang tính ấn định những khuyết tật của nó.
“Nhiệm vụ của các CEO là phải giải quyết mâu thuẫn này khi có yêu cầu về đổi mới sáng tạo”, ông nói.
Người đứng đầu ngành TTTT đưa ra 3 lựa chọn cho các CEO. Thứ nhất, thâu tóm một công ty có quy trình và hệ giá trị tương đồng với nhiệm vụ mới; thứ hai, cố gắng thay đổi các quy trình và hệ giá trị của tổ chức hiện tại; thứ ba, tạo ra một bộ phận đồng loạt về phát triển các quy trình mới, hệ giá trị mới để đáp ứng các yêu cầu mới.
“Với cách nhìn này thì các công ty mới đang thành công quả là có một thách thức rất lớn khi nói về đổi mới sáng tạo”, ông chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất và làm việc. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề. Ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp.
Ông cho rằng mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh. Và công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.