Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không thể 'nay nhập, mai tách' các bộ

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đề xuất sáp nhập bộ này với Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chứ không phải "nay nhập, mai tách".

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 2/11 về đề xuất sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với Bộ Tài chính, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH&ĐT, cho rằng vấn đề này chưa ai bàn cả.

"Cái này phải nghiên cứu kỹ, thận trọng để đảm bảo chuyện có nhập hay không nhập phải dựa trên cơ sở khoa học, phương pháp luận và phải đảm bảo tính bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, do thể chế kinh tế, trình độ phát triển, chủ trương đường lối, nước ta tổ chức các chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành cho phù hợp với tình hình của đất nước và thực tế của thế giới.

Ông lấy dẫn chứng Bộ KH&ĐT trong tương lai cũng có thể tập trung làm những vấn đề vĩ mô, chiến lược, cơ chế chính sách, có tính chất hoạch định tham mưu cho Đảng những vấn đề về định hướng phát triển.

Sap nhap Bo Ke hoach - Dau tu voi Bo Tai chinh anh 1
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Bảo Lâm.

Về ý kiến cho rằng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chức năng nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau, vậy nên nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định ý kiến này cũng không hoàn toàn chính xác.

Ông Dũng phân tích mô hình như Bộ KH&ĐT hiện vẫn còn một số nước áp dụng, có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển...Các nước khác thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế, như Trung Quốc gọi là Ủy ban Phát triển Tài chính.

"Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này. Chức năng của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính không trùng nhau. Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Còn Bộ Tài chính là làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên. Hai bộ này không chồng chéo. Việc ai người đó làm, phân định tương đối rõ", ông Dũng nhấn mạnh.

Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện.

Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Bộ trưởng Nội vụ nói về đề xuất sáp nhập 4 bộ và 10 tỉnh

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng đề xuất sáp nhập 4 bộ và 10 tỉnh cần xem xét, tổng kết lại cho phù hợp vì quy mô mỗi địa phương, bộ ngành khác nhau.

Toàn cảnh nhân lực của bộ máy Nhà nước Cả nước có 2,5 triệu biên chế, chưa kể con số trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ cần giảm 1,5% biên chế mỗi năm, chi ngân sách sẽ giảm 800-900 tỷ đồng.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm