Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Mong người dân hy sinh chút niềm vui ngày Tết

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người phát ngôn Chính phủ mong người dân đón Tết vui vẻ trong phạm vi gia đình, hy sinh một chút niềm vui, tránh tụ tập.

Chinh phu truc chien dip Tet de chong dich Covid-19 anh 1

Tết Nguyên đán Tân Sửu tiếp tục là một giai đoạn đặc biệt khi cả nước vừa đón năm mới, vừa gồng mình chống dịch Covid-19.

Nếu như Tết Nguyên đán Canh Tý, đại dịch mới chỉ là một mối nguy cơ, thì năm nay, dịch bùng phát và gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với Zing vào dịp Tết, khi Chính phủ liên tục họp chỉ đạo các giải pháp chống dịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định quyết tâm, nỗ lực chống dịch, để người dân được đón xuân mới an vui.

Chống dịch lần này khó khăn, phức tạp hơn

- Thưa Bộ trưởng, Chính phủ nhận định, đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay như thế nào?

- Cuối tháng 1/2021, ngay sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 với biến thể mới trong cộng đồng cùng tốc độ lây lan nhanh ở một số địa phương, Chính phủ dưới dự chỉ đạo của Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm lớn, kích hoạt ngay lập tức cơ chế kiểm soát, khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Dịch bùng phát khi Đại hội Đảng XIII đang diễn ra nhưng Chính phủ, Thủ tướng đã lập tức ban hành Chỉ thị 05, Thường trực Chính phủ tổ chức họp ngay tại nơi tổ chức Đại hội để chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu tập trung chống dịch, chuẩn bị nhanh các kịch bản, tình huống, giải pháp để chủ động ứng phó hiệu quả với Covid-19, hành động nhanh và quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.

Dịch diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ chủ trương không được hoang mang, dao động, cũng không được lơ là, chủ quan.

Chinh phu truc chien dip Tet de chong dich Covid-19 anh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Hùng.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; quyết không lùi bước trước dịch bệnh.

Ưu tiên số một bây giờ là chống dịch, vì làm tốt công tác phòng chống dịch chính là để lo cho người dân có một Tết cổ truyền an vui.

Ưu tiên số một bây giờ là chống dịch, vì làm tốt công tác phòng chống dịch chính là để lo cho người dân có một Tết cổ truyền an vui

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vừa qua, Quảng Ninh và Hải Dương là hai địa phương bùng phát dịch đầu tiên, dịch lây lan nhanh và diễn biến khó lường. Song, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương có dịch đã làm rất tốt với những giải pháp rất quyết liệt, cách làm hay, sáng tạo, theo đúng tinh thần “đốm lửa to khoanh to, đốm lửa nhỏ khoanh nhỏ” để thực hiện mục tiêu kép.

Bây giờ lo ngại nhất là tình hình dịch TP.HCM và Hà Nội vì mật độ dân cư của hai thành phố này quá lớn, khó khăn hơn các tỉnh khác rất nhiều.

Biến thể của virus lần này lây nhiễm rất nhanh nên đây vẫn là nguy cơ đáng lo ngại.

Đặc biệt ở TP.HCM, khi các nhân viên bốc xếp hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19 nhưng chưa rõ nguồn lây, không loại trừ từ hàng hóa nước ngoài. Nếu không kiểm soát, phòng dịch tốt từ những hàng hóa như vậy thì rất nguy hiểm.

- Bối cảnh chống dịch Tết năm nay có những gì khác so với Tết năm ngoái, thưa ông?

- Khác rất nhiều, lần này khó khăn hơn, phức tạp hơn. Năm ngoái khi dịch còn chưa có ở Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng đã nhận định nguy cơ dịch bệnh cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu khi đó chúng ta chủ quan theo nhận định dịch Covid-19 không lây từ người sang người thì giờ hậu quả sẽ rất nặng nề.

Tết năm nay, dịch đã bùng phát ở Việt Nam chứ không chỉ còn là nguy cơ. Lần này, biến thể mới cũng lây lan với tốc độ nhanh hơn rất nhiều, cộng với việc những người nhiễm virus không sớm có biểu hiện nên việc chống dịch khó khăn, phức tạp hơn.

Nhưng chúng ta cũng có yếu tố thuận lợi hơn vì có kinh nghiệm xử lý từ Tết năm trước, nhờ đó, tính chủ động, quyết liệt, bài bản và các phương án khởi động kịch bản chống dịch nhanh hơn, đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn.

Sự vào cuộc của hệ thống chính trị tốt hơn và người dân cũng ủng hộ rất nhiều. Người dân đã tin tưởng chính quyền, nghe theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhất là việc đeo khẩu trang và không tụ tập đông người.

Chính phủ luôn “trực chiến”

- Vậy kế hoạch, lịch làm việc của các lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thay đổi thế nào trong dịp Tết?

- Tết năm ngoái, Thủ tướng, các phó thủ tướng và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ gần như không có Tết vì phải thường xuyên cập nhật tình hình, theo dõi sát sao diễn biến dịch. Các thành viên Chính phủ chỉ có thời gian rất ngắn về thăm gia đình, còn lại dành hết thời gian cho nhiệm vụ phòng, chống dịch với những cuộc họp từ mùng 2 Tết.

Năm nay có lẽ cũng như vậy. Trong thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả tập trung chống dịch và vận hành bộ máy hiệu quả nhất, không kể Tết.

Tết là thời gian được nghỉ, nhưng tinh thần của Chính phủ là luôn trực chiến, sẵn sàng giải quyết và họp bất cứ lúc nào có vấn đề phát sinh.

Tết là thời gian được nghỉ, nhưng tinh thần của Chính phủ là luôn trực chiến, sẵn sàng giải quyết và họp bất cứ lúc nào có vấn đề phát sinh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, báo cáo Thủ tướng diễn biến dịch theo từng giờ. Sát Tết, Chính phủ vẫn tập trung nhiệm vụ chống dịch, liên tục họp bàn giải pháp và Thủ tướng vẫn ký ban hành nhiều văn bản liên quan đến phòng chống dịch, chăm lo chính sách, hỗ trợ cho các lực lượng làm nhiệm vụ này.

Tết năm nay sẽ khác Tết mọi năm vì ưu tiên số một dành cho công tác phòng chống dịch, toàn bộ cán bộ của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, nhất là các bộ phận liên quan đến phòng, chống dịch phải thay nhau trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh.

Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, ai cũng muốn được đón Tết, sum vầy cùng gia đình, nhưng chúng tôi là cơ quan hành chính, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng nên mang tinh thần phục vụ, sẵn sàng căng mình, lăn lộn để dân được đón Tết an vui.

Dịch diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ không thể lường trước nên chúng tôi mong người dân sẽ không chủ quan trong bối cảnh này.

Trong lúc khó khăn vì dịch bệnh, người dân tốt nhất nên đón Tết vui vẻ trong gia đình mình. Tôi mong mỗi người dân hy sinh một chút niềm vui ngày Tết để hạn chế tụ tập, liên hoan, san sẻ trách nhiệm chống dịch cùng Chính phủ.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép

- Dịch bùng phát trong bối cảnh gần Tết, và cũng là giai đoạn mở đầu cho nhiệm kỳ mới. Chính phủ đã xây dựng kịch bản thế nào để vừa chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế?

- Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Chính phủ dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến đáng lo.

Bộ KH&ĐT nhận định trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46% - thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.

Với mức suy giảm đó, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37% - đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%), nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (6,5%).

Chinh phu truc chien dip Tet de chong dich Covid-19 anh 7

Năm 2021, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch nghiêm ngặt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo báo cáo, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, lần lượt là 6,73% và 7,04%.

Tôi mong mỗi người dân hy sinh một chút niềm vui ngày Tết để hạn chế tụ tập, liên hoan, san sẻ trách nhiệm chống dịch cùng Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Như vậy kịch bản đã có, giờ Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình để có chỉ đạo phù hợp. Nhưng chủ trương của Chính phủ là dù có dịch vẫn cần tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển. Bi quan quá không được, chủ quan quá cũng không nên.

Thủ tướng vẫn yêu cầu thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục cho chuyên gia nước ngoài vào, thúc đẩy khởi công các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm và nhiều công việc khác.

- Nghị quyết 01 được xây dựng, ban hành khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại. Sau đợt dịch này, Chính phủ có tính toán, bàn bạc thay đổi một số chỉ tiêu đã đề ra không, thưa ông?

- Chúng ta sẽ không thay đổi mà quyết tâm thực hiện bằng được các chỉ tiêu đề ra.

Nghị quyết 01 đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%, giờ dù có dịch, Chính phủ chưa nghĩ tới vấn đề điều chỉnh mà quyết tâm ở mức cao nhất như năm 2020.

Năm 2021, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch nghiêm ngặt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Việt Nam không thể đóng cửa hoàn toàn để không có ca Covid-19 mà phải vừa phòng chống, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới, Thủ tướng đã quán triệt 4 nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tiếp tục quyết liệt phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, sớm đưa vaccine đến người dân trong quý I/2021.

Cùng với đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 và chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn.

'Địa phương chủ động quy định cách ly, Chính phủ sẽ giám sát'

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chỉ thị 05 nêu rõ các địa phương được chủ động quy định các biện pháp phòng, chống dịch như phong tỏa, cách ly nhưng Chính phủ sẽ theo dõi việc này.

Hoài Thu thực hiện

Bạn có thể quan tâm