Sáng 21/3, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh vấn đề “nạo vét cát tại các dòng sông để san lấp, để xây dựng có lợi nhuận kinh khủng nhưng vẫn còn lỗ hổng”.
Việc cấp phép của Bộ GTVT nên giao cho địa phương. Hiện, trên một dòng sông nhiều địa phương quản lý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nên dừng toàn bộ việc cấp phép nạo vét lòng sông, đây là vấn đề đang bị các địa phương phản ứng. Ảnh: VGP. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra việc chồng chéo trong quản lý dòng sông như nạo vét là của Bộ Giao thông vận tải; nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tài nguyên là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng khi cấp phép nạo vét luồng lạch dòng sông, các doanh nghiệp khai thác đã lợi dụng, không thực hiện đúng quy định, gây sạt lở.
“Như tuyến giáp Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều địa phương phản ánh, việc cấp phép nhiều khi địa phương không biết. Có địa phương lãnh đạo tỉnh bị xã hội đen dọa và công an đang vào cuộc điều tra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Báo cáo trước Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng cục Đường thủy nội địa) cho biết cả nước có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông. Trong đó, 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến. Bên cạnh đó cát tặc cũng khai thác trái phép.
“Đối với các dự án nạo vét đường thủy, thời gian tối đa chỉ 1-2 năm. Còn đối với các mỏ được cấp phép được triển khai từ 20-25 năm. Việc quản lý các phương tiện khai thác cát không chặt chẽ. Ngoài ra còn bất cập trong việc quản lý bến bãi nên các phương tiện ra vào mỏ”, ông Giang nói.
Theo Cục trưởng Giang, về mặt quản lý, ngành giao thông vận tải chỉ quản lý 80 m giữa sông còn hành lang gần bờ lại thuộc quyền các địa phương. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để khai thác cát.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu đơn vị này chỉ rõ bất cập 80 m đang chồng lấn giữa khai thác mỏ và nạo vét luồng tuyến. “Cát tặc thò vòi khắp nơi nên người dân rất bức xúc. Hôm vừa rồi tôi về Lý Nhân (Hà Nam) và nghe thông tin người dân mang cuốc xẻng ra đánh nhau với cát tặc. Năm 2014, tại địa phương này đã có đánh nhau đổ máu. Quy định của cơ quan chức năng là khai thác ban ngày, ban đêm nghỉ. Nhưng cát tặc ban ngày ngủ, ban đêm khai thác”, Bộ trưởng Dũng nói .
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định việc cấp phép, quản lý chồng lấn gây bức xúc cho cả địa phương, các chủ đầu tư và người dân, đặc biệt khi đôi bờ bị sạt lở. Việc ở Bắc Ninh cũng là để cảnh báo tới các địa phương khác.
Khác với cảnh ầm ĩ thường ngày, các tàu hút cát, sỏi trên sông Cầu qua huyện Quế Võ nằm im lìm sau kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng ngày 9/3. Các tàu chở cát chủ yếu hoạt động trên sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Việt Hùng. |
Báo cáo thêm, ông Giang cho hay từ năm 2015, Cục Đường thủy nội địa đã gửi công văn phối hợp quản lý tới các địa phương nhưng tới nay chỉ có Đồng Nai ký kết. Sau khi có kiến nghị của Bắc Ninh và chỉ đạo của Thủ tướng, Cục này đã không gia hạn, không cấp phép mới các dự án khai thác nạo vét lòng sông để tiến hành kiểm tra, rà soát.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước thực trạng chồng chéo hiện nay, Bộ GTVT với địa phương nên thống nhất trong việc cấp phép khai thác, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa thông tin khi đi công tác từ Nam ra Bắc ông đều nhận được ý kiến của các địa phương về việc tận thu nạo vét lòng sông. Nhiều địa phương cho biết có nơi cần nạo vét thì không thấy mà chỉ thấy tận thu, khai thác. Các địa phương cũng ngỏ ý cần được đảm bảo quyền lợi.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, quan điểm của Bộ là hoàn toàn ủng hộ đề xuất của các địa phương cũng như chỉ đạo của Thủ tướng về việc giao việc cấp phép về địa phương.
“Riêng trường hợp như ở Bắc Ninh, chúng tôi rất mong sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công an vào cuộc, làm quyết liệt và chỉ ra địa chỉ đâu là tiêu cực của cơ quan nhà nước và đâu là xã hội đen”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ tháng 1/2016 tới 10/3/2017, Bộ nhận được tổng số 610 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Trong đó, Bộ đã hoàn thành 509 nhiệm vụ, đạt 83% (trong hạn 488, quá hạn 21); chưa hoàn thành 101 nhiệm vụ, chiếm 17% (trong hạn 99%, quá hạn 2 nhiệm vụ).
Hai nhiệm vụ quá hạn là việc báo cáo Thủ tướng về trách nhiệm bồi thường ảnh hưởng do thi công quốc lộ 1 trong tháng 12/2016 và chủ trương đầu tư sân bay Chu Lai trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.