Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thảo luận trên hội trường Quốc hội trọn ngày 23/10 với 48 lượt đại biểu phát biểu cùng 6 lượt tranh luận.
Ngoài vấn đề tăng tuổi hưu, bổ sung ngày nghỉ trong năm, việc mở rộng khung giờ làm thêm và đề xuất giảm giờ làm bình thường của người lao động được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Qua phiên thảo luận, vẫn có 2 luồng ý kiến. Một là nên tăng giờ làm thêm (300 lên 400 giờ/năm), không giảm giờ làm bình thường (hiện ở mức 48 giờ/tuần) vì thực tế người lao động có nhu cầu làm để kiếm thêm thu nhập. Ở chiều ngược lại, các đại biểu khác phản biện “tăng giờ làm hay mở rộng khung giờ làm thêm là đi ngược xu hướng tiến độ của thế giới”.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Minh Quân. |
Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay đã có 170 ý kiến thảo luận tại tổ và 79 ý kiến phát biểu tranh luận tại hội trường ở kỳ họp thứ 7 cùng hơn 50 ý kiến tại phiên thảo luận ngày hôm nay.
Ông Dung nhấn mạnh Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế về các tiêu chuẩn lao động cơ bản như bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động…
Đặc biệt về phạm vi, bộ luật lần này điều chỉnh toàn diện cả về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động đối với lực lượng có quan hệ lao động với số lượng khoảng 20 triệu người.
Dành nhiều thời gian nhắc đến đề xuất giảm giờ làm việc bình thường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định đây là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả chủ thể liên quan, như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước và có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Vì thế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá và lượng hoá cụ thể.
Theo luật hiện hành thời gian làm việc bình thường hiện nay là 48 giờ/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Qua báo cáo đánh giá của cơ quan soạn thảo, hiện có gần 90% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ, chỉ có 3,6% thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ.
Riêng khối 10 nước ASEAN có 8 nước quy định 48 giờ như Việt Nam. Hai quốc gia bố trí thấp hơn là Singapore và Indonesia. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 USD/người, gấp 12 lần Việt Nam.
“Người ta tính toán nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thời gian lao động càng tăng lên”, ông Dung nói.
Kể lại câu chuyện khi sang nghiên cứu ở Indonesia, ông Dung nói họ từng đặt vấn đề “tại sao phải giảm giờ làm?”. Họ trả lời là giảm thời gian làm việc để chia sẻ công việc cho mọi người, tránh tình trạng thất nghiệp cao lên.
Còn ở Việt Nam, ông cho biết theo tính toán, nếu giảm thời gian làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần thì một năm sẽ giảm 208 giờ. Điều này khiến tổng chi phí lao động tăng thêm 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD một năm. Điều quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm đi 0,5% mỗi năm.
Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Các chuyên gia dự báo nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam hiện nay phải phấn đấu làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.
"Chính vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng”, ông Dung nói và đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ giảm giờ làm việc.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ).
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, "dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu".
Về thời giờ làm việc bình thường, cơ quan thẩm tra Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết có một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.
Một số ý kiến khác đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giảm thời giờ làm việc bình thường là vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện.
Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.