Trước khi Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành vào năm 2017, cả nước có tới gần 20.000 bản quy hoạch khác nhau. Số quy hoạch nhiều nhưng thiếu sự liên kết, thậm chí là xảy ra chuyện "cát cứ" giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền, dẫn tới nguồn lực không được tận dụng một cách hiệu quả nhất.
Với việc ban hành Luật Quy hoạch, Quốc hội và Chính phủ quyết tâm đổi mới công tác quy hoạch, theo hướng thống nhất, đồng bộ, tích hợp. Tuy vậy, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, địa phương đang có sự chậm trễ nhất định. Khi chưa có quy hoạch, nhiều nơi gặp khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để tháo gỡ vấn đề này, trong sáng 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, các điểm cầu được nối tới từng địa phương. Việc xúc tiến đẩy nhanh lập quy hoạch là bước khởi đầu quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Nhân dịp này, Zing cũng có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng. Bộ KHĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch của Chính phủ. Bộ cũng đi đầu trong việc đổi mới công tác quy hoạch, cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch.
Đổi mới tư duy và tầm nhìn trong lập quy hoạch
- Bộ trưởng có thể cho biết tầm quan trọng của việc đẩy nhanh lập các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, địa phương?
- Trước hết ta thấy rằng việc ban hành một luật riêng về quy hoạch là việc rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới. Đây cũng là việc rất khó khi luật rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, thay đổi cả phương pháp tiếp cận và công tác quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hiếu Công. |
Do đó, trong quá trình soạn thảo, xem xét thông qua có rất nhiều ý kiến khác nhau. Phải mất 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua được Luật Quy hoạch. Quốc hội cũng phải ban hành 2 luật khác để bổ sung, sửa đổi 73 luật, pháp lệnh thì mới đồng bộ được Luật Quy hoạch.
Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội và Chính phủ để không lập lại những quy hoạch không còn phù hợp nữa. Khi lập quy hoạch phải theo một cách tiếp cận mới, đó là tiếp cận đa ngành.
Làm sao quản lý Nhà nước là một thể thống nhất, để tranh thủ được tiềm lực đất nước, khai thác được tiềm năng, thế mạnh một cách hiệu quả cho cả đất nước, cho từng vùng, từng ngành, từng địa phương.
Chúng ta hay nói muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đi đúng, đây là cơ hội để xác lập con đường đi nhanh và bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Ý nghĩa của nó rất quan trọng, là cơ hội tái cơ cấu các ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, là cơ hội quý để sắp xếp lại không gian phát triển, nguồn lực phát triển, tránh sự cát cứ.
Trước kia chúng ta đang bị chia cắt và cát cứ bởi rất nhiều quy hoạch khác nhau giữa các ngành, địa phương, hầu hết là không gắn kết với nhau. Các mục tiêu bị chia cắt, không gian, nguồn lực bị chia cắt. Việc lập các quy hoạch lần này để chúng ta tích hợp lại, với cùng một mục tiêu, cùng một nguồn lực thì làm thế nào để có bước phát triển nhanh nhất.
Chúng ta hay nói muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đi đúng, đây là cơ hội để xác lập con đường đi nhanh và bền vững. Đó cũng là ý nghĩa của Luật Quy hoạch và công tác quy hoạch thời kỳ mới.
Do đó, phải đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch, không cát cứ nữa mà phải lồng ghép với nhau. Phải có tầm nhìn mang tính chiến lược cho các quy hoạch để đảm bảo có sức sống dài hơn, cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay như thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng quốc tế, biển đổi khí hậu…
Lúng túng nhất hiện nay là cách hiểu về phương pháp tiếp cận
- Từ khi thực hiện Luật Quy hoạch đến nay, Chính phủ đã đạt được những kết quả bước đầu nào thưa ông?
- Chính phủ đã kịp thời ban hành được những văn bản hướng dẫn luật, các văn bản liên quan, cơ bản đồng bộ và đầy đủ, tạo hành lang pháp lý để triển khai. Sau đó, chúng ta cũng đã tổ chức lập được một số quy hoạch.
Với tiến độ hiện nay, hết năm 2021, chúng ta có thể lập xong một trên 6 quy hoạch vùng, 26/63 tỉnh sẽ lập xong quy hoạch tỉnh. Khoảng 19/38 quy hoạch ngành quốc gia sẽ hoàn thành. Việc đạt được như vậy là tương đối tích cực.
Các quy hoạch còn lại phải thực hiện xong trong cuối năm 2022.
Cái quan trọng hơn là tư duy về công tác lập quy hoạch đã có thay đổi rất nhiều, đổi mới hơn, tích hợp đa ngành. Các cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp chặt chẽ với nhau, chia sẻ thông tin và dữ liệu để lồng ghép với nhau.
Năng lực lập quy hoạch của các đơn vị liên quan, cơ quan tư vấn, cơ quan bộ ngành, địa phương đã được nâng lên rất tốt. Đó là những kết quả tốt trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện mới chỉ có 3 địa phương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh, đang chờ phê duyệt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
- Tuy vậy, so với kế hoạch mà Chính phủ đặt ra thì nhiệm vụ lập quy hoạch đang khá chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu do đâu?
- Vấn đề lúng túng và khó khăn nhất hiện nay là cách hiểu về phương pháp tiếp cận Luật Quy hoạch theo quy tắc tổng hợp và đa ngành. Trước đây mỗi ngành lại theo một quy hoạch khác nhau.
Luật mới yêu cầu tích hợp lại chung thành một quy hoạch có tính chất liên ngành, liên vùng, đa ngành. Do đó, tính chất đa ngành như đã quy định thì cách hiểu thế nào, thực hiện ra làm sao.
Khi không có quy hoạch, sẽ không có cơ sở thực hiện các dự án đầu tư mới, đánh mất các cơ hội phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Thứ hai do nhiều cách làm, thói quen cũ của đội ngũ lập quy hoạch. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm giảm tiến độ lập quy hoạch đi rất nhiều.
- Việc chậm ban hành quy hoạch trong khi các ngành, địa phương đã bắt đầu triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới có làm giảm đi cơ hội phát triển không thưa ông?
- Đúng. Nếu chúng ta không kịp làm và ban hành các quy hoạch thì không xác định được mục tiêu nhiệm vụ của thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Hiện tại là năm 2021, là thời điểm đầu để xác định được đúng mục tiêu quy hoạch.
Khi không có quy hoạch, sẽ không có cơ sở thực hiện các dự án đầu tư mới, đánh mất các cơ hội phát triển. Chúng ta cũng không tranh thủ được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Không cơ cấu lại được các ngành theo yêu cầu của nhiệm vụ mới, từ đó không góp phần cho việc phát triển đất nước nhanh và bền vững, theo mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đặt ra.
Nhận thức của người đứng đầu rất quan trọng
- Chậm lập các quy hoạch có ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công và thu hút FDI không thưa ông?
- Có ảnh hưởng đó là điều chắc chắn. Nếu không có quy hoạch thì thực hiện rất khó. Nếu thực hiện một dự án trong hiện tại mà không có quy hoạch, rất có thể nó phá vỡ quy hoạch mới trong tương lai, để lại hậu quả rất lớn.
Tuy nhiên, nếu không thực hiện dự án bây giờ thì mất cơ hội. Do đó chúng ta phải làm nhanh là vì như thế.
- Các vướng mắc hiện tại thì cần được tháo gỡ thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Chính phủ và các địa phương sẽ phải đánh giá cái gì làm được và cái gì chưa làm được, vì sao chậm, nguyên nhân tại sao, vướng mắc ở khâu nào. Cũng cần tập trung giải quyết vấn đề gì để đảm bảo tiến độ, chất lượng, sao cho các quy hoạch đưa ra phải là quy hoạch tốt nhất.
Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến là vùng đầu tiên hoàn thành quy hoạch theo phương pháp tích hợp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thứ hai, theo tôi quan trọng nhất là phải xác định được nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là những người lãnh đạo đứng đầu. Khi có nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch thì chúng ta mới tổ chức thực hiện đúng nhanh và chất lượng.
- Vậy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập quy hoạch lúc này là gì, nhất là khi nhiều địa phương đang phải lo khống chế dịch bệnh?
- Như tôi vừa nói, khó nhất của việc này là nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu. Khi người đứng đầu hiểu đúng ý nghĩa và vai trò của công tác lập quy hoạch thì mới có động lực để làm. Khi làm được quy hoạch tốt thì có con đường đi tốt, để giúp ngành mình, địa phương mình đi nhanh và bền vững.
Không thấy được động lực thì không quyết tâm làm, không thấy được tư duy đổi mới.