Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM hôm nay (18/10), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới chính là ước mơ của ông. Bên cạnh đó, đây còn là mong đợi của nhiều người, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong nước…
Còn hoài nghi về việc đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính
Theo người đứng đầu Bộ KHĐT, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước, nhưng do nhiều điều kiện nên ý tưởng này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Ngoài ra, hiện tại vẫn còn một số quan điểm hoài nghi về tính khả thi khi triển khai ý tưởng này. Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành cho biết, với lợi thế của Việt Nam hiện tại, TP.HCM đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa ước mơ này.
“Nếu xét trên tổng thể và những yếu tố lợi thế riêng có của Việt Nam và TP.HCM, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Không những thế mà cần phải làm ngay, chúng ta chỉ trì hoãn một chút thôi là có thể đã bỏ lỡ một cơ hội vô cùng quý giá”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Theo người đứng đầu Bộ KHĐT, việc khu vực Châu Á phát triển nhanh đang là chất xúc tác quan trọng cho các hoạt động tài chính trong khu vực và giúp TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính lớn.
Cụ thể, ngày càng nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại diễn ra tại khu vực Châu Á. Cùng với đó, sự xuất hiện nhiều nhu cầu và hoạt động về tài chính, kéo theo sự ra đời các thành phố, trung tâm tài chính lớn như Thâm Quyến, Hàng Châu...
Mặt khác, các nhà đầu tư, nhà tài chính, doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm kiếm những mảnh đất mới để mở rộng hoạt động và gia tăng lợi ích và việc trung tâm tài chính mới ra đời tại TP.HCM là hoàn toàn khả thi.
Vị Bộ trưởng cũng cho rằng, TP.HCM đang có những lợi thế tự nhiên sẵn có để thực hiện điều này. Trong đó, múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn thế giới, Việt Nam sẽ có lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm khác.
Kết nối hàng không là điều kiện quan trọng
Bên cạnh đó, việc dễ dàng kết nối thông qua đường hàng không với những nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng là lợi thế của TP.HCM.
Số liệu được Bộ trưởng KHĐT cho biết, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đã kết nối với 72 thành phố của trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, sân bay này phục vụ hơn 38,4 triệu hành khách, vượt 1,56 lần công suất thiết kế. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu hành khách khu vực TP.HCM sẽ đạt khoảng 65 triệu, và đạt mức 85 triệu vào năm 2030, tăng bình quân 6,7%/năm.
Ngoài ra, việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành sẽ giúp nâng tổng công suất của khu vực lên 75 triệu hành khách/năm và tăng lên 100 triệu hành khách vào năm 2030.
“Kết nối hàng không mức độ cao là điều kiện quan trọng để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế. Đây là lợi thế mang tính tiềm năng của TP.HCM khi so sánh với sân bay Changgi của Singapore, sân bay Heathrow London, hay sân bay Hong Kong”, Bộ trưởng Dũng nói.
Lãnh đạo Bộ KHĐT cũng dẫn số liệu chứng minh TP.HCM đang là đầu tàu kinh tế cả nước khi đóng góp khoảng 24% GDP, 1/3 ngân sách, 22% tổng vốn FDI cả nước… cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực này rất lớn.
TP.HCM cũng đang được hưởng lợi từ những biến động chính trị, kinh tế thế giới gần đây như diễn biến tại Hong Kong, sự kiện Brexit tại London.
“Đây sẽ là cơ hội cho nhiều trung tâm khác tiếp nhận nguồn lực tài chính và nhân lực dịch chuyển từ Hong Kong và London. Vì vậy, TP.HCM có thể nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính mới của khu vực và thế giới”, Bộ trưởng nhận định.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, để một trung tâm tài chính hoạt động thành công, cần phải có thể chế, pháp luật, chính sách có tính cạnh tranh, vượt trội so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới.
Theo đó, Bộ trưởng KHĐT đề nghị TP.HCM nghiên cứu phương án mở rộng về hướng Nam, gồm toàn bộ diện tích Quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ.
Đây là khu vực có diện tích đủ lớn khoảng 88.000 ha, với điều kiện kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật - xã hội và có quỹ đất để phát triển một thành phố tài chính, thương mại, dịch vụ quốc tế.