Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP. |
Tại Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách chiều 24/11 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh một số vấn đề thuộc điều hành vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu... ảnh hưởng niềm tin thị trường và tâm lý xã hội nên cần được quan tâm truyền thông tới người dân, để người dân thấu hiểu.
"Vì vậy, không chỉ bàn về truyền thông chính sách, mà Thủ tướng cần quan tâm hơn tới truyền thông Chính phủ. Niềm tin của người dân là yếu tố cốt lõi trong hoạt động truyền thông Chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công", ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, truyền thông Chính phủ cần được cải thiện để trợ giúp Thủ tướng và Chính phủ không có bất ngờ, ngăn chặn mọi rủi ro và đảm bảo uy tín. Do đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập tổ công tác truyền thông để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông đối với các vấn đề nóng và quan trọng của đất nước hiện nay.
5 trụ cột triết lý truyền thông
Mở đầu bài tham luận của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 59 năm (ngày 31/8/1963) tại hội nghị tuyên huấn miền núi sau khi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của cán bộ tuyên huấn trong công tác tuyên truyền.
“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm... Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về truyền thông chính sách chiều 24/11. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc lại năm 1822, Tổng thống thứ 4 của nước Mỹ, James Madison đã nói: "Một chính phủ đại chúng mà không có thông tin đại chúng, hoặc phương tiện để có được thông tin đó thì chỉ là sự mở đầu của một màn hài kịch hay một bi kịch, hoặc có lẽ là cả hai. Hơn 100 năm sau, John F. Kennedy, Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ đã nói: "Dòng ý tưởng, năng lực đưa ra những chọn lựa có hiểu biết, khả năng phê bình, tất cả các cơ sở đó của một nền chính trị đều phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông".
Từ đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo: “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông sự là một nguồn lực, là sức mạnh”.
Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc người dân
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Theo Bộ trưởng, chỉ đạo của Thủ tướng “Không để chiến lược trên giấy, kết hợp với tinh thần 5 thật - nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật các thành quả" cũng chính là kim chỉ nam hoạt động của ngành kế hoạch và đầu tư.
Nói về truyền thông chính sách của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết từ nhiều năm nay, ngành đã xác định 5 trụ cột triết lý truyền thông chính sách của ngành. Thứ nhất, thông điệp xuyên suốt trong mọi hoạt động tham mưu và hoạch định chính sách của toàn ngành là "người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc người dân".
Thứ hai, ngành luôn coi truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách. Thứ ba, coi trọng hiệu quả công tác truyền thông chính sách, từ đó tác động đến hiệu quả chính sách và hiệu quả điều hành, bám sát phương châm "5 thật" của Thủ tướng, đặt mục tiêu cuối cùng là người dân thực sự thụ hưởng các thành quả của chính sách.
Thứ tư, Bộ luôn đổi mới nội dung, phương thức của truyền thông chính sách để thích nghi với môi trường hiện đại và tiến trình phát triển; thứ năm, coi trọng dữ liệu trong truyền thông chính sách. "Đánh giá hoạt động tham mưu chính sách và truyền thông chính sách dựa trên dữ liệu thực chứng, nghiên cứu khoa học, thông tin báo chí và dư luận từ người dân", ông nói.
"Người dân là trọng tâm"
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ luôn tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển.
"Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiên phong trong số ít các bộ ngành sử dụng công cụ mạng xã hội để đăng tải thông tin chính sách và hoạt động của bộ. Liên tục cập nhật các kinh nghiệm truyền thông quốc tế qua các kênh từ Chính phủ các nước, các chuyên gia học giả nước ngoài, các trường đại học trên thế giới, mạng lưới nhân tài người việt, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam", ông nói.
Sáng kiến cây gậy trắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp đỡ người mù được cộng đồng đánh giá cao. Ảnh: MPI. |
Bộ cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp ở cấp bộ và các đơn vị trực thuộc. Thiết lập mạng lưới các đầu mối truyền thông kết nối từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các bộ ngành, địa phương, sở thuộc hệ thống Chính phủ và tới các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế...
Niềm tin của người dân là yếu tố cốt lõi trong hoạt động truyền thông Chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
"Ngoài ra, kế hoạch truyền thông hàng năm làm định hướng kim chỉ nam cho thực thi các hoạt động truyền thông chính sách. Truyền thông không chỉ là truyền đi thông tin mà còn là lưu trữ dấu ấn lịch sử; bộ cũng tổ chức ghi chép lại tư liệu lịch sử chi tiết hàng ngày, phản hồi của người dân thông qua bản tin nội bộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng thương hiệu. Từ tháng 1/2018, Bộ đã triển khai các hoạt động trong khuôn khổ chương trình vì sự phát triển cộng đồng... tạo hiệu ứng lan tỏa sang các đối tác của bộ, bộ ngành và địa phương và ra xã hội.
Các chương trình cộng đồng gây tiếng vang như Tự hào Việt Nam, Bao la Việt Nam, Sức sống Việt Nam, Mỗi người dân là một sứ giả, Yêu thương Việt Nam… tạo hiệu ứng lan tỏa tới các đối tác của bộ, các bộ ngành và địa phương và xã hội. Đồng thời, từ tháng 12/2019 Bộ đã phát động Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam, góp phần truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng người mù và khiếm thị.
"Thông qua hoạt động truyền thông có chiến lược, hun đúc niềm tin sâu sắc trong đội ngũ cán bộ ngành kế hoạch và đầu tư về những hành động tốt đẹp, nhân văn và tử tế", ông nói.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...