Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bộ trưởng KHĐT: Chính sách vĩ mô 2023 sẽ linh hoạt với thực tiễn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023, nhưng sẽ điều hành linh hoạt theo thực tiễn, bối cảnh chung.

Những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường” là điều mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nói về năm 2022 và cả những dự báo cho năm 2023. Là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư càng đặc biệt lưu tâm đến theo dõi, dự báo tình hình bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.

Vào đầu năm mới, ông nhấn mạnh việc theo dõi bối cảnh thế giới là rất quan trọng, song song với đó, Bộ chủ động kiến nghị các biện pháp cải cách và điều hành kinh tế vĩ mô. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, tham mưu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Trong đó quan trọng là cụ thể hóa về thời điểm, liều lượng và yêu cầu phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư...

"Năm 2023, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để thích ứng với tình hình, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế", ông chia sẻ.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một quốc gia đang trong hành trình đổi mới và hội nhập với thế giới, từng bước cố gắng thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực. Nền kinh tế có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.

Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.

dieu hanh vi mo anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: HH.

Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển đặt ra. Bộ trưởng nhấn mạnh cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.

"Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Chính phủ sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.

Sẽ có đề án hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn

Bước sang năm 2023, một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ là Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về thị trường, doanh số, vốn, tín dụng... Với vai trò cơ quan tổng tham mưu trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục báo cáo Chính phủ và đề xuất các giải pháp hỗ trợ.

Một trong những giải pháp được ông nhấn mạnh là tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp... Ngoài ra, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng GDP các năm trong vòng 11 năm qua
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Nhãn Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022

% 6.41 5.5 5.55 6.42 6.99 6.69 6.94 7.47 7.36 2.87 2.56 8.02
dieu hanh vi mo anh 2

Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm theo mô hình sandbox, tạo theo sự lực chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp", ông nói.

Về dài hạn, theo Bộ trưởng, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa còn thấp, chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình, tham mưu Đảng và Nhà nước xem xét ban hành các chính sách; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Việc xác định được các doanh nghiệp có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn” dựa trên cơ sở đánh giá nội lực của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học.

Chính phủ sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: Cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ tổ quốc, doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon...

Đối với “sếu đầu đàn” là doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí.

Thứ hai, trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong tương lai.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Thứ tư, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp tư nhân. Thứ năm, đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư.

Khơi dậy khát vọng

Cuối năm 2022 đầu năm 2023 cũng là dịp ngành kế hoạch và đầu tư kỷ niệm 77 năm thành lập. Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần thứ hai tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tự hào Việt Nam năm 2023".

Thông qua chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành kế hoạch và đầu tư có "ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn đuốc đổi mới", khát vọng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh, phong cách, bản sắc sống và làm việc của những người con của ngành.

Chúng ta cùng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Với chủ đề “Nắm bắt cơ hội - Hướng tới tương lai”, chương trình năm nay thể hiện ý nghĩa bước sang năm 2023, mặc dù có thể còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tâm sáng, trái tim rực lửa đầy nhiệt huyết, trí tuệ và tính chuyên nghiệp, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tận dụng mọi cơ hội để phát triển, hướng tới triển vọng tương lai rộng mở ở phía trước.

"Chúng ta cùng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành kế hoạch và đầu tư; cùng với nhân dân cả nước, các cấp, các ngành sẵn sàng tâm thế hóa giải và vượt qua những khó khăn, thách thức, chủ động đón nhận và tận dụng những cơ hội, vận hội mới sẽ tới trong năm 2023", ông chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh thông điệp “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc người dân” xuyên suốt trong mọi hoạt động tham mưu, hoạt định chính sách của ngành kế hoạch và đầu tư, thống kê.

Bộ trưởng mong muốn các cán bộ trong ngành hãy không ngừng truyền tải thông điệp mạnh mẽ về trí tuệ - đạo đức - bản lãnh và nghị lực; luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân, kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực hết mình để cùng lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường, vì khát vọng phát triển.

"Hãy cùng nhau xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sánh vai với cường quốc 5 châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mọi người dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc", ông chia sẻ.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Ly do GDP tang cao nhat 12 nam hinh anh

Lý do GDP tăng cao nhất 12 năm

0

Trong năm 2022, chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ kinh tế.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm