Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng GDP các năm trong vòng 11 năm qua | |||||||||||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||||||||||
Nhãn | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
% | 6.41 | 5.5 | 5.55 | 6.42 | 6.99 | 6.69 | 6.94 | 7.47 | 7.36 | 2.87 | 2.56 | 8.02 |
Tốc độ tăng GDP các quý trong năm 2022 | |||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||
Nhãn | Quý I | Quý II | Quý III | Quý IV | |
% | 5.05 | 7.83 | 13.71 | 5.92 |
GDP tăng cao nhất 12 năm
"Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao", bà Hương nhận định.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
"Chương trình tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ ổn định đời sống của nhân dân và gia tăng xuất khẩu", tổng cục trưởng cho biết.
Năm nay, giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước là yếu tố góp phần làm giảm CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra dù một số yếu tố làm tăng CPI như giá xăng dầu (tăng 28,01%), giá vé máy bay (tăng 27,58%), giá gas (tăng 11,49%).
Tốc độ tăng GDP năm 2022 theo khu vực kinh tế | |||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||
Nhãn | GDP | Nông, lâm nghiệp và thủy sản | Công nghiệp và xây dựng | Dịch vụ | |
% | 8.02 | 3.36 | 7.78 | 9.99 |
Theo Tổng cục trưởng, hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là động lực quan trọng. Ngành này ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 tăng cao so với năm trước, trong đó có bia tăng 35,3%; thủy hải sản chế biến tăng 15,7%; linh kiện điện thoại tăng 15,1%; ôtô tăng 14,9%; xăng, dầu tăng 13,7%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước như sắt, thép thô giảm 12,3%; điện thoại di động giảm 9,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 7,7%.
Tốc độ tăng/giảm một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với năm trước | |||||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||||
Nhãn | Thủy hải sản chế biến | Linh kiện điện thoại | Ôtô | Xăng, dầu | Giày, dép da | Sắt, thép thô | |
% | 15.7 | 15.1 | 14.9 | 13.7 | 8.8 | -12.3 |
Cùng với đó, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như bán buôn, bán lẻ (10,15%), vận tải kho bãi (11,93%), lưu trú và ăn uống (40,61%).
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong năm 2022 | ||||||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | ||||||||
Nhãn | Khu vực dịch vụ | Lưu trú và ăn uống | Vận tải kho bãi | Bán buôn, bán lẻ | Tài chính, ngân hàng | Thông tin và truyền thông | Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội | |
% | 9.99 | 40.61 | 11.93 | 10.15 | 9.03 | 7.8 | -7.6 |
Ngoài ra, trong năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Bước sang năm 2023 với những thách thức
Dù vậy, Tổng cục Trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng bước sang năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt.
Bà nhận định kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.
"Cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam", bà Hương nhận định.
Kinh tế - xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Bà cho rằng Việt Nam cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất và kiểm soát giá cả, thị trường.
Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Trong năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 10 tỷ USD trong năm 2022 | |||||||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||||||
Nhãn | Điện thoại và linh kiện | Điện tử, máy tính và linh kiện | Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác | Dệt, may | Giày dép | Gỗ và sản phẩm gỗ | Phương tiện vận tải và phụ tùng | Thủy sản | |
Ước tính năm 2022 | tỷ USD | 59.292 | 55.242 | 45.722 | 37.496 | 23.932 | 15.857 | 12.064 | 10.93 |
Mức tăng/giảm so với năm trước | % | 3.1 | 8.7 | 19.3 | 14.5 | 34.8 | 7.1 | 13.6 | 23.1 |
Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Tổ chức này cảnh báo một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng cả 2 động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Nhu cầu bên ngoài yếu đi gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tiêu dùng hậu Covid-19 dường như cũng giảm tốc độ phục hồi.
"Điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới", tổ chức này cảnh báo.
Theo WB, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...