"Điều gì xảy ra nếu người nghèo tìm kiếm người nghèo khác (để kết hôn)? Sẽ có nhiều hộ nghèo hơn", Jakartar Post dẫn lời ông Muhadjir Effendy, bộ trưởng Bộ Văn hóa và Phát triển Con người.
"Đó là một vấn đề ở Indonesia", ông nói thêm.
Bộ trưởng cho biết có khoảng năm triệu hộ nghèo ở Indonesia, chiếm 9,4% trong tổng số 57,1 triệu hộ.
Nếu các hộ gia đình cận nghèo cũng được thêm vào, có 16,8% hoặc khoảng 15 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp, ông nói thêm.
Bộ trưởng Văn hóa và Phát triển Con người Muhadjir Effendy vẫy tay với các nhà báo khi Tổng thống Joko Widodo công bố Nội các mới của mình trước Cung điện Merdeka ở Jakarta, ngày 23/10/2019. Ảnh: Jakarta Post. |
Ông Effendy đề nghị Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Fachrul Razi ban hành một fatwa (phán quyết tôn giáo từ chính quyền Hồi giáo để hướng dẫn) ra lệnh cho người nghèo tìm kiếm người giàu (để kết hôn), và ngược lại, Jakarta Post đưa tin.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất chương trình chứng nhận tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng không ổn định về kinh tế nhưng muốn kết hôn để đăng ký chương trình việc làm do Tổng thống Joko Widodo đưa ra.
Chương trình cung cấp đào tạo nâng cao kỹ năng của những người tham gia để họ có thể tìm được việc làm.
Theo ông Effendy, chương trình tiền hôn nhân như vậy sẽ giúp giảm tỷ lệ các gia đình nghèo mới ở Indonesia.
Hội đồng Ulema của Indonesia (MUI), một trong những tổ chức Hồi giáo phụ trách phát hành fatwa, hoan nghênh đề xuất của ông Effendy.
Tổng thư ký MUI Anwar Abbas cho biết những đề xuất này thể hiện tinh thần giúp đỡ lẫn nhau.
"Có nhiều gia đình nghèo và đôi khi có những góa phụ bị chồng bỏ lại. Họ phải nuôi con trong khi kiếm sống. Nếu có một người đàn ông giàu có thích cô ấy, và cô ấy cũng thích anh ấy, thì thật tuyệt", ông nói.
Ông nói thêm: "Một gia đình nghèo sẽ được nâng lên để trở nên giàu có, và số người nghèo sẽ giảm đi".
Đề xuất của Bộ trưởng có hai lợi ích, ông Abbas nói.
"(Thứ nhất), nghèo đói sẽ giảm. Thứ hai, nếu thành công, sự giàu có sẽ không chỉ lưu thông (trong số những người giàu)".