Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GTVT: 30 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ cao tốc Bắc - Nam

Sau khi hủy đấu thầu quốc tế, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ dự thầu cao tốc Bắc - Nam.

Thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chiều 22/10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dành phần lớn thời gian bài phát biểu để nói về 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được Bộ Giao thông triển khai là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Thể cho biết cơ quan này đang thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán các dự án.

Đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT đang triển khai đấu thầu tổ chức thi công, hoàn thành trong năm nay, sang năm 2020 chỉ thực hiện xây lắp. Riêng với 8 dự án PPP, hiện Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đấu thầu trong nước. Thời gian sơ tuyển khoảng 2 tháng.

Bo truong GTVT Nguyen Van The anh 1
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Hà.

"Đến nay, có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ dự thầu. Chúng tôi kỳ vọng có thể thu hút được 50 - 60 nhà đầu tư trong nước tham gia”, ông Thể nói.

Tư lệnh ngành giao thông cũng lý giải chưa có nhà đầu tư thì chưa làm thiết kế kỹ thuật, chưa chuẩn bị điều kiện khởi công được. Do đó, dự kiến tháng 8/2020, khi có nhà đầu tư thì mới có thể khởi công. Từ nay đến thời điểm đó sẽ tập trung công tác giải phóng mặt bằng.

"Chúng ta mong muốn rất nhanh, nhưng pháp luật quy định nhiều khâu, chúng ta không thể làm khác được", ông Thể nhấn mạnh.

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Thể cho biết hiện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) mới chỉ được giao lập dự án đầu tư. Để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì phải có nhà đầu tư. Do liên quan an ninh quốc phòng và nhiều vấn đề khác, ông Thể nhấn mạnh chỉ có thể tuyển chọn nhà đầu tư trong nước.

Ông giải thích theo quy định hiện hành, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Nhưng đấu thầu cũng không khả thi bởi khi đấu thầu, nhà đầu tư phải có hồ sơ kinh nghiệm, có quản lý, có xây dựng những công trình tương tự. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ có duy nhất ACV đang quản lý khai thác 21 sân bay, còn Sun Group thì mới triển khai duy nhất Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

"Theo Luật Đấu thầu, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT sẽ xin phép Chính phủ để mở thầu để chọn nhà đầu tư đó. Như vậy, chúng mất 1 năm cũng chỉ để chọn ACV. Do đó, nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm", Bộ trưởng Giao thông nêu lý do nên chọn ACV thực hiện đầu tư sân bay Long Thành.

Bộ trưởng Thể cũng mong muốn Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8 km kết nối trục chính cảng đầu phía Tây với QL51) và tuyến số 2 (dài 3,5 km kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) vào dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư.

Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng). Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.

Hủy đấu thầu quốc tế làm 8 dự án của cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ

Tiến độ 8 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Riêng việc chuyển từ đầu thấu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước khiến tiến độ chậm 3 tháng.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm