Sáng 28/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo ngành đường sắt kiểm tra hiện trường và chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn hai tàu hàng 2469 và tàu ASY2 tông nhau nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam).
Sau vụ tai nạn, hàng trăm công nhân thuộc các đơn vị ngành đường sắt tập trung khắc phục suốt một ngày đêm sửa chữa đường ray số 2, ga Núi Thành; đồng thời thông tuyến đường sắt Bắc - Nam lúc 16h30 ngày 27/5.
Hiện cơ quan chức năng tiếp tục sửa chữa đường ray số 1 và số 3 để sớm đưa ga Núi Thành hoạt động bình thường trở lại.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (giữa) kiểm tra hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở ga Núi Thành (Quảng Nam) sáng 28/5. Ảnh: Báo Giao thông. |
Lỗi do con người
Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo ga Núi Thành cho hay sau khi vụ tai nạn xảy ra, kíp trực đã có tường trình. Nguyên nhân vụ tai nạn là lái tàu hàng 2469 (tổng trọng tải gần 750 tấn) tự ý nổ máy, dịch chuyển ra ngoài mốc tránh va chạm giữa đường ray số 2 và 3. Do vậy, tàu hàng ASY2 từ Nam ra Bắc đang vào ga đã tông trực diện. Cán bộ trực ban, trưởng dồn, gác ghi cho biết khi phát hiện sự việc đã thổi còi, phất cờ cảnh báo nhưng không ngăn chặn kịp...
Trước giải trình của lãnh đạo ga Núi Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; xảy ra giữa ban ngày ngay trong khu vực nhà ga chứ không phải ban đêm. Vụ việc không được phát hiện kịp thời, tàu hàng vẫn được nổ máy và không thực hiện nghiêm quy định ngừng chuyển động trong lúc đang đón tàu khác vào ga.
“Tôi có cảm giác vụ tai nạn như ở chỗ không có ca trực. Ga báo cáo thao tác đầy đủ nhưng tại sao không phát hiện tàu hàng nằm chờ vẫn nổ máy. Các đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của ca trực, không đổ lỗi. Ga phải chủ động kiểm tra nội bộ, phối hợp cơ quan điều tra làm rõ, xử lý", ông Thể yêu cầu.
Hiện trường vụ tai nạn hai tàu hàng tông nhau ở ga Núi Thành. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo Bộ trưởng, vụ tai nạn xảy ra giữa hai tàu hàng nên may mắn không gây thiệt hại về người. Nếu vụ tai nạn xảy ra ở tàu khách thì chắc chắn gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ trưởng cũng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo ngành Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...
Hiện, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu ngành đường sắt rà soát toàn bộ từ hạ tầng đến quy chế, công tác phối hợp để tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Bộ trưởng Thể, những vụ tai nạn ở các vị trí đường gom dân sinh còn có thể do hạ tầng, hệ thống tín hiệu chưa đồng bộ, hay do lỗi người điều khiển ôtô, băng qua đường… Còn vụ tai nạn xảy ra ngay trong ga Núi Thành (Quảng Nam) là trong nội bộ ga, có đầy đủ các kíp trực. Rõ ràng đây là lỗi do con người, do điều hành, quản lý của ngành, cần làm rõ, truy trách nhiệm và xử lý nghiêm; tuyệt đối không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự.
Tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ ở ga Núi Thành
Trao đổi với Zing.vn chiều 28/5, ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc Chi nhánh khai thác Đường sắt Nghĩa Bình, cho biết ngay sau vụ tai nạn ở ga Núi Thành, đơn vị quyết định tạm đình chỉ công tác ba cán bộ trực chiều 26/5.
"Chúng tôi quyết định tạm đình chỉ công tác kíp trực gồm ba cán bộ: Trực ban, trưởng dồn và nhân viên gác ghi để phục vụ công tác điều tra", ông Hỷ nói.
Theo ông, các đơn vị chức năng đang huy động nhân lực, thiết bị tiếp tục tập trung khắc phục vụ việc, sớm thông đường ray số 1 và xử lý đường ray số 3 ga Núi Thành trong thời gian sớm nhất để đảm bảo năng lực khai thác, an toàn.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, xác định vụ tai nạn giữa hai đoàn tàu chở hàng là do lỗi tác nghiệp của kíp trực trong ga Núi Thành. Khi đoàn tàu hàng ASY2 đang vào ga thì bên trong ga lại dồn dịch toa của tàu hàng 2469. Đoàn tàu dồn dịch này đã lấn sang khổ giới hạn, gây va chạm hai đầu máy và làm 4 toa xe trật bánh.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, vừa gửi công điện đến các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách hạn chế tai nạn giao thông đường sắt do nguyên nhân chủ quan.
Theo công điện, chỉ trong 4 ngày qua (24-27/5), cả nước xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Số vụ tai nạn này chủ yếu do tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện...
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cơ quan chức năng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với địa phương khẩn trương điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Giao thông có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đầy đủ các vụ tai nạn đường sắt từ đầu năm 2018 do chủ quan; phân tích, đánh giá toàn diện vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm...