Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là một trong những dự án luật được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp lần thứ 5. Tại buổi họp tổ chiều 5/6, các đại biểu đều cho rằng nước là một trong những tài nguyên quan trọng, cần có sự điều tiết và điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (đại biểu đoàn Hà Giang) nhận định Việt Nam là quốc gia có lợi thế về tài nguyên nước, tuy nhiên, quá trình sử dụng hiện tại chưa hiệu quả. Ông nhấn mạnh cần sử dụng hiệu quả, có khung pháp lý đồng bộ để đảm bảo an ninh nguồn nước. Song song với đó, việc điều tiết nước có vai trò rất quan trọng, nhất là khi biến đổi khí hậu tác động rất lớn tới nước ta.
Bài toán giữ nước
Theo Bộ trưởng, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tổng kết Luật Tài nguyên nước 2012. Cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý sử dụng tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phân tích hạn chế và sự giao thoa, chồng chéo với một số luật có liên quan.
So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo trình Quốc hội lần này chỉ giữ nguyên 9 điều, sửa đổi bổ sung 59 điều, bổ sung 15 điều, bãi bỏ 13 điều. Ông đánh giá việc sửa chữa đã cơ bản theo được các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Quochoi. |
"Vấn đề đặt ra ở nước ta là mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì lụt lội vì nguồn nước không có sự ổn định. Do đó, bài toán là sử dụng nguồn nước thế nào? Giữ nguồn nước ra sao? Công trình thủy lợi thế nào? Giữ sinh thủy ra sao?... Việc xây dựng dự thảo luật phải tính đến những vấn đề này", ông nói.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước. Do đó, phải bảo vệ, sử dụng và điều tiết nước một cách hài hòa, hợp lý. Ở những địa phương làm được thủy lợi tốt, giữ được nguồn nước, đảm bảo và điều tiết được nguồn nước thì đỡ lũ lụt, hạn hán.
Trước ý kiến các đại biểu Quốc hội về làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiện, bền vững nhất nguồn nước, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu trên quan điểm hoàn thiện hành lang pháp lý. Từ đó, thống nhất, đảm bảo minh bạch để khai thác tối đa nguồn lực của tài nguyên nước như phân bổ, điều tiết, sử dụng...
"Việc đảm bảo an ninh nguồn nước vì chúng ta chủ yếu phụ thuộc nguồn chảy vào. Vậy vấn đề đặt ra là giữ nước như thế nào, tạo sinh thủy ra sao... Sau khi mưa, chúng ta không có các công trình thủy lợi thì chúng ta không giữ được để chảy ra biển hết, nhưng nắng lên thì không có nước để dùng”, Bộ trưởng nói.
Quản lý tài nguyên nước bằng công nghệ số
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để giữ gìn, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Một vấn đề đặt ra theo người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường là kiểm soát, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Ông cho rằng quá trình xử lý và tái sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nguồn nước. Hiện nay, nhiều dự án xử lý nước đã qua sử dụng theo chu trình tuần hoàn, gần như không có nước thải ra môi trường. Như vậy, Việt Nam cần những hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo vừa kiểm soát ô nhiễm mà sử dụng nguồn nước hợp lý.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng bài toán giữ nước là một trong những vấn đề quan trọng được cơ quan soạn thảo lưu ý. Ảnh: TT. |
Trong dự thảo Luật cũng phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và công trình khai thác của trungương, địa phương để tránh xung đột, chồng chéo. Từ đó, tạo thành hệ thống đồng bộ từ quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước. "Đó là mục đích chúng ta phải đạt được”, ông nói.
Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý nguồn nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số. Muốn quản lý được thì phải điều tiết được, muốn điều tiết được phải có số liệu dữ liệu. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả vận hành, điều tiết nguồn nước một cách khoa học, hiệu quả.
"Mong các đại biểu quan tâm góp ý cho dự thảo Luật. Cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, tìm ra những hạn chế tồn tại cần khắc phục để đạt được mục đích cao nhất, sử dụng hiệu quả nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của đất nước", ông nói.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...