Wilbur Ross là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất nước Mỹ và là một trong những tỷ phú được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn là thành viên nội các. Ông được mệnh danh là "vua phá sản" vì chuyên thâu tóm các công ty khó khăn và biến chúng thành doanh nghiệp làm ăn có lời.
Chính Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng ca ngợi tỷ phú Ross "là người biết giúp các doanh nghiệp thành công".
Hãng Nikkei khi viết về Wilbur Ross, người được ông Trump chọn là Bộ trưởng Thương mại, đã nhận định ông là chuyên gia châu Á và dẫn kế hoạch đầu tư vào dệt may Việt Nam năm 2015.
Thực ra, mối cơ duyên của vị tỷ phú quyền lực của nước Mỹ với Việt Nam không phải đợi đến năm 2015, với triển vọng về một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thành hình.
Tỷ phú Ross lần đầu đến Việt Nam năm 2001, như ông xác nhận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư "Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn" tổ chức ở New York đầu năm 2016. “Khi ấy, tôi chứng kiến các gia đình Việt Nam chủ yếu đi bằng xe đạp”, ông nói.
Chuyến thăm ấy là khởi đầu cho những thỏa thuận sau này giữa các tập đoàn mà ông Ross là chủ sở hữu và doanh nghiệp điểm sáng ngành dệt may Việt, Tổng công ty Phong Phú của Việt Nam.
Ông vua phá sản Wilbur Ross được cho là người hiểu châu Á, đã được chọn là Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ảnh: Getty Images. |
Đón cơ hội từ Việt Nam hội nhập
Liên hợp sản xuất dệt - nhuộm - may ITG - Phong Phú là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn ITG (Mỹ) với Tổng công ty cổ phần Phong Phú vào cuối năm 2006 với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Trong đó, tập đoàn của vị vua phá sản Mỹ đóng góp 60% vốn, nắm quyền điều hành sản xuất, kinh doanh của liên hợp.
Đây là hợp đồng đầu tiên được ký kết chỉ hơn 1 tuần sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết thúc quá trình đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO.
ITG Phong Phú nằm trong danh sách 10 dự án FDI có số vốn cam kết lớn nhất vào năm 2006 và là dự án FDI lớn nhất ngành dệt may vào thời điểm ấy.
Bản thân Tập đoàn ITG cũng là một biểu tượng minh chứng cho biệt danh vua phá sản của Mỹ khi gây dựng đế chế dệt may từ nền tảng 2 ông lớn đã phá sản tại Mỹ là Burlington Industries và Cone Denim. Riêng Burlington Industries lúc được ông Ross mua về năm 2003 đang gánh khoản nợ 1,1 tỷ USD.
Một trong những bí quyết ông Ross mang sự trở lại thần kỳ của dệt may Mỹ là chính sách đầu tư sang các nước đang phát triển như Mexico, Việt Nam, để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và thị trường tiềm năng đang lên ở các nước này.
Ông Joseph Gorga, Chủ tịch Tập đoàn ITG lúc đó, cho biết liên doanh là sự đón đầu cho việc Việt Nam trở thành một đầu mối quan trọng trong việc sản xuất hàng dệt may, nhất là với tương lai là thành viên của WTO.
Khởi công đầu năm 2007, dự án đi vào hoạt động tháng 12/2018 trên diện tích hơn 11 ha tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), thu hút khoảng 3.000 lao động. Ngày 19/6/2007, Tổng công ty Phong Phú tiếp tục ký thỏa thuận với (ITG) về việc tiếp tục đầu tư, mở rộng dự án liên doanh với tổng mức đầu tư bổ sung dự kiến 100 triệu USD.
Cùng lúc đó, Công ty WL Ross Co., cũng của tỷ phú Ross, doanh nghiệp sở hữu 90% phần vốn của ITG đã ký với Phong Phú thỏa thuận hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (tổng giá trị đầu tư khoảng 100 triệu USD).
Đồng thời, tập đoàn của tỷ phú Mỹ cũng cam kết trở thành nhà đầu tư chiến lược của Phong Phú khi doanh nghiệp dệt may này cổ phần hóa lần đầu vào năm 2008. Thỏa thuận cũng kêu gọi những hỗ trợ từ WL Ross cho Phong Phú trong quá trình cổ phần hóa, từ các chuyên gia đầu tư kinh nghiệm của tập đoàn này.
Thông cáo báo chí của Công ty WL Ross dẫn lời vị tỷ phú sáng lập và cũng là chủ tịch công ty cho rằng: Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới và doanh nghiệp của ông rất vui mừng có cơ hội cam kết tài chính bổ sung để hỗ trợ sự tăng trưởng đó.
Sự hiểu biết về Việt Nam và những ràng buộc lợi ích từ việc đầu tư, cam kết ấy đã khiến cho ông vua phá sản của Mỹ từng nhiều lần đại diện bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước Quốc hội Mỹ.
Trong lá thư đại diện ITG gửi Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ ngày 12/7/2006, ông Ross kêu gọi đẩy nhanh việc Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.
Tỷ phú Ross nhấn mạnh: "Việt Nam đại diện cho ý nghĩa quan trọng về thương mại toàn cầu của tập đoàn này... Việc trì hoãn trao PNTR cho Việt Nam chỉ làm chậm lại quá trình cải cách cần thiết để Việt Nam trở thành một nền kinh tế thị trường, và nó trái với lợi ích của Mỹ". Việc không trao PNTR cho Việt Nam theo ông Ross, là "một chính sách tồi và thiển cận".
Tương tự, ông cũng là người phản đối việc áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng dệt may Việt Nam. Vị tỷ phú cho rằng điều này chẳng bảo vệ lợi ích của nước Mỹ mà chỉ là những doanh nghiệp nước ngoài khác trong khi người dân Mỹ chịu thiệt.
Thế nhưng, trải nghiệm của Bộ trưởng Thương mại tương lai của nước Mỹ và đối tác Việt Nam không phải lúc nào cũng tích cực như những kỳ vọng và phát ngôn.
Ngày 27/12/2011, ITG - Phong Phú ra thông báo về quyết định của Hội đồng quản trị cho “tạm dừng hoạt động của công ty đến ngày 31/12/2012 để “giải quyết những khác biệt trong kinh doanh” giữa Tập đoàn ITG và Tổng công ty Phong Phú.
Nhà máy ITG - Phong Phú đắp chiếu nhiều năm do thua lỗ và mâu thuẫn giữa các đối tác. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Hơn 3.000 lao động tại Đà Nẵng bất ngờ mất việc. Nhà xưởng, máy móc trùm mền suốt 3 năm, từ 2012 cho đến khi nhà xưởng được UBND Đà Nẵng quyết định bán lại cho Dệt 8-3 để xử lý khoản nợ lên tới hơn 400 tỷ đồng.
Với Tập đoàn Phong Phú, theo số liệu từ báo cáo tài chính (đã kiểm toán) công bố đầu năm 2015, doanh nghiệp này đã đầu tư 241 tỷ đồng vào liên doanh với tập đoàn của tỷ phú Ross. Đến 31/12/2014, giá trị khoản đầu tư còn lại là 0 đồng.
Ngay cả khi đã bán lại cho Dệt 8-3 vào tháng 2/2015, việc hoàn thiện thủ tục, chuyển giao dự án phải nhiều lần trì hoãn. Đến tháng 10/2015, dệt 8-3 cho biết họ mới đưa nhà máy vào vận hành với đơn hàng lớn đầu tiên từ Mỹ.
'Môi trường đầu tư đã khác'
Khá nhiều người bất ngờ khi biết Bộ trưởng Thương mại tương lai của Mỹ từng đầu tư và thua lỗ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó là câu chuyện đầu tư nước ngoài ở Việt Nam 10 năm trước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ gần đây, ông được chia sẻ về việc họ đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam.
Nhìn lại câu chuyện thất bại đầu tư của tỷ phú Ross vài năm trước, Thứ trưởng Sơn lý giải có thể điều kiện lịch sử, khung chính sách hoặc môi trường cho doanh nghiệp hoạt động thời điểm đó không như mong muốn.
"Môi trường đầu tư của chúng ta những năm qua cải thiện nhiều, minh bạch hơn, đáp ứng gần hơn tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí có mặt thông thoáng, thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp rất sáng tạo và chủ động, họ nhìn ra cơ hội và sẽ trở lại, dù chính phủ có muốn hay không", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn cũng dẫn thực tế có không ít nhà đầu tư nước ngoài khác từng đầu tư không thành công ở Việt Nam, sau đó quay lại và đã phát triển mạnh. Thực tế, sau “đứt gãy” của sự hợp tác ấy, tỷ phú Ross đã trở lại Việt Nam, bắt tay với Vinatex để đón đầu TPP với một kế hoạch kỹ càng.
Khi trở lại Việt Nam năm 2015, người giàu thứ 200 nước Mỹ đưa ra những nhận định lạc quan về tiềm năng đầu tư tài chính cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam.
“Đất nước các bạn đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu doanh nghiệp nhà nước giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt”, ông nói năm 2015.
Tuy nhiên, trong một phần cam kết khi được đề cử, tỷ phú Ross sẽ không mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong những năm tới. Những cam kết hợp tác của công ty mà ông sở hữu với Việt Nam, vì thế sẽ treo lại trong nhiệm kỳ ông là bộ trưởng.