Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Zing.vn về một số vấn đề lớn của ngành trong năm qua và các năm tiếp theo.
Nguy cơ thiếu điện là hiện hữu
- Vấn đề thiếu điện và nguy cơ tăng giá điện trong thời gian tới được người dân quan tâm. Ông đánh giá thế nào?
- Hiện nay chúng ta gặp phải một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với việc cân đối cân bằng cung cầu điện. Cập nhật tiến độ nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đặc biệt, các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến hoạt động vào năm 2018-2021 nhưng chậm tiến độ. Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến 2030. Các tính toán cân bằng cung cầu cho thấy có khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng điện năng toàn quốc.
Theo báo cáo cập nhật của Viện Năng lượng, dự tính thiếu hụt điện năng trong hệ thống điện với sản lượng 466 triệu kWh năm 2021 và gần 2,4 tỷ kWh năm 2022.
- Vậy Bộ Công Thương sẽ làm gì để đảm bảo đủ điện, đặc biệt sau năm 2020?
Để giảm nguy cơ thiếu điện miền Nam, trên cơ sở đề xuất của EVN, PVN, Bộ Công Thương đã xem xét trình và được Thủ tướng đồng ý cho phép bổ sung quy hoạch đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (nhằm tăng cường liên kết Bắc - Trung - Nam), vận hành trước năm 2020 và Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, vận hành năm 2020, 2021.
Bộ cũng đề ra một số giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030.
Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các đoàn đi thúc đẩy tiến độ các dự án nhà máy điện. Ngoài ra, đang xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt khung giá bán điện tại Lào làm cơ sở để EVN đàm phán mua bán điện với Lào.
Bộ cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng... Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái.
Một số giải pháp về đảm bảo nguồn cung cấp và giải tỏa công suất các nguồn điện là xem xét tháo gỡ những vướng mắc trong đàm phán hợp đồng BOT, PPA của các dự án nguồn điện BOT, đặc biệt là những nội dung quy định về chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng. Ngoài ra, Bộ tiếp tục xây dựng và ban hành cơ chế mới hỗ trợ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối). Sớm xây dựng và ban hành cơ chế cho các dự án điện sử dụng LNG, chuỗi dự án khí LNG-điện…
Tính lại giá điện mặt trời trong tháng 3
- Trong khi quan ngại về việc điện than gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu thì cũng có những mối lo về tình trạng đầu tư ồ ạt điện mặt trời để hưởng giá ưu đãi trong khi công nghệ chưa được kiểm chứng, khó đấu nối, không ổn định… Theo ông, đâu là lối ra cho bất cập này?
- Việc phát triển nhiệt điện than vẫn phải thực hiện theo đúng quy hoạch trên cơ sở cân đối phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội. Việc cần làm là thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong đầu tư, vận hành nhà máy nhiệt điện than, xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than công nghệ trên siêu tới hạn.
Về điện mặt trời, theo tính toán, mức phát triển nguồn này tại các mốc năm 2020, 2025, 2030 theo công suất lắp đặt trên toàn quốc tương ứng là 6.450 MW, 16.650 MW, 30.650 MW. Mức phát triển này lớn hơn nhiều so với mức phát triển theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (công suất tương ứng là 850 MW, 4.000 MW và 12.000 MW).
Theo đánh giá, các nguồn điện mặt trời có thể phủ đỉnh khoảng 6% vào cao điểm ngày. Đây cũng là một giải pháp khá tốt nhằm bù đắp cho công suất thiếu hụt vào cao điểm ngày của hệ thống điện, khi xét đến thời gian xây dựng các nguồn điện mặt trời khá nhanh (khoảng 6 tháng).
Bộ Công Thương đang cùng đối tác của Đức tính toán lại giá điện mặt trời. Ảnh: VNT. |
Đối với phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện một số công việc như trình Thủ tướng xem xét phê duyệt “quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Về tình hình và giải pháp xử lý tình trạng quá tải các dự án điện mặt trời đã đăng ký, đã được phê duyệt, Bộ đã đề xuất danh mục các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời, trong đó kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung một số công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia.
Việc phát triển nhiệt điện than vẫn phải thực hiện theo đúng quy hoạch trên cơ sở cân đối phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Ngoài ra với cơ chế đầu tư các dự án lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, xem xét đề xuất của EVN về việc cho phép thực hiện hình thức đầu tư xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom công suất các dự án điện gió, điện mặt trời.
Về xây dựng Quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11), Bộ Công Thương đang phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tiến hành khảo sát các dự án điện mặt trời đang triển khai, ý kiến của các tổ chức quốc tế, cập nhật giá thành thiết bị... để cập nhật tính toán giá bán điện cho các trường hợp khác nhau.
Trong đó có giá bán điện theo vùng bức xạ mặt trời khác nhau, giá bán điện khi dự án điện mặt trời có và không có hệ thống lưu trữ, giá bán điện giảm dần theo thời gian.... Bên cạnh đó, các yếu tố về khả năng huy động vốn, mở rộng phạm vi bên mua điện (không chỉ giới hạn là EVN),... cũng đang được được xem xét cân nhắc.
Nông sản đội lốt hàng Việt chưa phổ biến nhưng ảnh hưởng uy tín sản phẩm
- Một vấn đề khác được quan tâm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng tới Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đi các nước khác?
- Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng hàng nông sản ngoại nhập vào Việt Nam và “đội lốt” hàng Việt nhằm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tình trạng này chưa phổ biến nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm Việt Nam và ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.
- Bộ làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
- Ngay từ đầu năm 2018, Bộ đã ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển (đặc biệt tại các tuyến đường vận chuyển từ biên giới vào nội địa), kinh doanh nông sản, thực phẩm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi kinh doanh nông sản không rõ xuất xứ, ngăn chặn việc bán nông sản có xuất xứ nước ngoài dưới danh nghĩa hàng trong nước.
Làm rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong các biện pháp mà Bộ Công Thương đặt ra để tránh hàng hóa đội lốt hàng Việt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Ảnh minh họa. |
Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng đề xuất việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng triển khai thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản với mục tiêu xây dựng, quảng bá hiệu quả hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, qua đó phát triển ngành thực phẩm, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Xử lý dự án thua lỗ theo nguyên tắc và cơ chế thị trường
- Liên quan tới các dự án yếu kém của ngành Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương nên cho phá sản, thay vì cố gắng duy trì và cứu vớt. Bộ trưởng bình luận gì về vấn đề này?
- Trước hết, cần phải khẳng định rằng, nguyên tắc chung trong xử lý các dự án này được xác định và thống nhất chỉ đạo, tổ chức triển khai xuyên suốt theo thông báo của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng.
Tinh thần đó là kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.
Thứ hai là bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp.
Cũng cần quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: HC. |
Với nguyên tắc như trên, trong thời gian qua Bộ Công Thương và các Bộ ngành, đơn vị liên quan đã hết sức nỗ lực, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao và bước đầu đã có một số kết quả rất tích cực.
Các dự án đi vào hoạt động đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra.
Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.
Do vậy, Bộ Công Thương xin khẳng định lại là hoàn toàn không có những vấn đề như đã nêu.
12 dự án được đưa vào xử lý đều là các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc nhóm A, có ý nghĩa và tác động quan trọng tới sự phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu của đất nước. Do vậy, việc hoàn thành xử lý các dự án thực sự có tầm quan trọng to lớn đối với phát triển đất nước và các ngành công nghiệp.
Đây cũng là lý do vì sao việc Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã và đang vào cuộc một cách rất quyết liệt để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, tồn tại của 12 dự án, doanh nghiệp trong thời gian qua.