Tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu chiều 3/1, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết năm nay, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, cao hơn năm ngoái khoảng 2,4 triệu m3/tấn.
Ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm nay, tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, tăng 12% so với sản lượng xuất bán năm 2023. Đối với mặt hàng dầu diesel được giao tăng 22%.
Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) cũng được Bộ giao hạn mức mua từ nguồn trong nước và nhập tăng 18% so với lượng xuất bán năm 2023.
Đánh giá lại tình hình cung ứng xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu cũng như các điều kiện hoạt động như: Kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, nguồn cung và giá cả hàng hóa khó đoán định, Bộ trưởng cho rằng cần có một phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Tình trạng thiếu xăng dầu lan rộng tại nhiều tỉnh, thành hồi cuối năm 2022. Ảnh: Trương Hiếu. |
"Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Do đó, kịch bản điều hành không phải là hàng năm mà phải từng tháng, quý và được điều chỉnh linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để phân giao kế hoạch điều hành tháng tiếp theo", Bộ trưởng lưu ý.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung về xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.
Do đó, ông Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan, minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả những cơ chế đặc thù để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
"Đặc biệt không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, khó hoạt động, thậm chí vi phạm pháp luật", ông Diên lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, trong khi chưa sửa toàn diện Nghị định về kinh doanh xăng dầu, có thể xem xét xử lý một số tình huống khẩn cấp (nếu có) và những vướng mắc, bất cập theo cơ chế thị trường.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...