Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Công Thương họp với doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định thời điểm khó khăn là lúc để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối.

Ngày 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước.

Bộ trưởng khẳng định thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho. Song đây cũng là thời điểm, doanh nghiệp Nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục, nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.

doanh nghiep,  phan phoi,  dut gay anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu báo cáo thẳng thắn kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua trong việc nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Doanh nghiệp nhà nước gặp khó

Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - năm nay, tình hình ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực xăng dầu nói riêng trên thế giới đang khó khăn, đặc biệt từ tháng 11 OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và Nga giảm sản lượng xuất khẩu, sẽ tạo áp lực lớn lên nguồn cung dầu thô và xăng dầu toàn cầu cũng như Việt Nam.

Trong những tháng tới, bên cạnh các giải pháp đang triển khai hiện nay, Petrovietnam sẽ tiếp tục cùng các đối tác có nhiều giải pháp hỗ trợ giao nhận, điều chỉnh quá trình sản xuất - tiêu thụ đồng bộ để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.

Ông Đào Nam Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho hay doanh nghiệp này đã chấp nhận thiệt thòi về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để đảm bảo nguồn.

doanh nghiep,  phan phoi,  dut gay anh 2
Ông Đào Nam Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Dù vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ… với trách nhiệm của mình đã thực hiện đầy đủ theo số lượng phân giao của Bộ Công Thương với kết quả đều đạt và vượt trong 10 tháng đầu năm.

Chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh lại, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đảm bảo ở mức cao nhất nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu trên toàn thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay đều “không bình thường”.

doanh nghiep,  phan phoi,  dut gay anh 3

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Để ứng phó với tình hình “không bình thường” đó, những giải pháp linh hoạt, chủ động là cần thiết. Đơn cử, khi Nghi Sơn gặp vấn đề đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã lập tức giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối, hay đã liên tục họp với các doanh nghiệp để đánh giá tình hình thực hiện tổng nguồn 9 tháng và phân giao kế hoạch quý IV nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Lý giải những khó khăn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong nước, nguyên nhân để xảy ra tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung ở một số vùng, miền đã được lý giải các cấp độ. Gần nhất, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giải trình trước Quốc hội, nêu rõ những lý do hoàn toàn khách quan và chủ quan. Một lý do được cập nhật cho đến thời điểm này là tỷ giá tiếp tục biến động rất ghê gớm và sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam luôn khẳng định chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất nhưng phải hiểu rõ trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy sản xuất trong nước thì 1/2 trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Do Việt Nam nhập dầu thô từ nước ngoài nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu trong nước đang gặp khó bởi những khó khăn chung của thị trường thế giới. Cùng với đó là những yếu tố đã được phân tích như việc tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó là những chi phí phát sinh, chi phí thực tế phát sinh chưa được kịp thời cập nhật, phản ánh đầy đủ trong công thức tính giá bán lẻ. Cho nên các doanh nghiệp nhập khẩu hay kinh doanh xăng dầu càng làm càng lỗ.

Tuy nhiên, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống dù có khó đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung.

Ông lớn xăng dầu lỗ hơn 4 tỷ đồng mỗi ngày

Trong quý III, PV Oil ghi nhận mức lỗ mạnh nhất 10 quý, qua do giá bán lẻ xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm