Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Công Thương bị chất vấn về chinh phục thị trường Trung Quốc

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ Công Thương khi thường xuyên để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu tới Trung Quốc.

Sáng 16/3, bên cạnh tình hình cung ứng, điều hành giá xăng dầu thì ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) và Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đặt vấn đề về tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua và hướng giải quyết của Bộ Công Thương.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, do Trung Quốc thực hiện mục tiêu Zero Covid-19 và hàng hóa nông sản của chúng ta bán qua biên giới chủ yếu qua tiểu ngạch nên sản phẩm xuất sang chủ yếu không theo quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn.

xuat khau nong san sang trung quoc anh 1

Nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc thời điểm trước Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Thạch Thảo.

Thay vì đổ lỗi hãy nhìn lại trách nhiệm của mình

Ông Diên cho biết không dưới 3 lần trong 2 năm qua Bộ đã kiến nghị địa phương quy hoạch lại vùng trồng vùng nuôi, bám sát thị trường. "Nếu cứ cách làm cũ, có gì làm nấy chúng ta sẽ bị động. Bộ và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục khuyến cáo địa phương có chỉ đạo quy hoạch lại vùng trồng vùng nuôi", ông nói.

Bộ trưởng cho rằng về dài hạn hai bộ cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ trình Thủ tướng, Chính phủ.

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) và Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn về tình trạng sản xuất được mùa mất giá vì khó xuất khẩu vẫn diễn ra và trách nhiệm liên quan trong việc chậm trễ thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch.

Bộ trưởng Diên cho rằng Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường, cần cố gắng tranh thủ khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. "Nhu cầu hàng hóa nhất là sản phẩm trái cây của ta rất cần ở thị trường ôn đới. Những sản phẩm đáp ứng xuất đi rất tốt nhưng phần nhiều chưa làm được tiêu chuẩn đó", ông đánh giá.

Các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội nhiều nhưng hàng không đi được là do chúng ta.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

"Trước mắt ùn ứ phải giải tỏa, tắc đâu thông đó nhưng không thông được phải bảo nhau 'Tiên trách kỷ hậu trách nhân'. Dứt khoát phải sản xuất theo tiêu chuẩn, tín hiệu của thị trường", ông nói.

Theo Bộ trưởng, thị trường Trung Quốc khó mấy cũng phải chinh phục. Ngày xưa chính ngạch rất ít nhưng tiểu ngạch rất nhiều. Nước này cũng đang đề xuất trở thành nhiều thành viên của các Hiệp định do đó tiêu chuẩn rất khó.

"Các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội nhiều nhưng hàng không đi được là do chúng ta. Rõ ràng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thay vì đổ lỗi cho nhau, hãy quay về tự xem trách nhiệm của mình đến đâu thì làm đến đấy", người đứng đầu ngành công thương khẳng định.

xuat khau nong san sang trung quoc anh 2

Nếu cứ tình trạng có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ luôn bị động. Ảnh: Thạch Thảo.

Không nỗ lực sẽ thua ngay trên sân nhà

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đặt vấn đề cần có giải pháp để tránh việc cửa khẩu đóng mở liên tục, gây ùn ứ nông sản.

Trả lời, ông Diên đánh giá với thị trường Trung Quốc, chính sách hàng hóa cửa khẩu giữa 2 nước không giống nhau, Trung Quốc thì thực hiện Zero Covid-19. Trước Tết Nguyên đán, mặc dù hàng hóa ùn ứ lớn, nhờ tích cực giao thiệp, hình thành vùng xanh nên hàng hóa lưu thông được. Tuy nhiên, sau Tết dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh phía Bắc và 3 thành phố khu vực cửa khẩu của Trung Quốc nên họ lại đóng cửa khẩu.

Nếu không nỗ lực nâng cao năng lực, tiêu chuẩn sản xuất ứng với yêu cầu của thị trường thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà và trở thành tiêu thụ cho các nước khác

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

"Việc giao thiệp với Trung Quốc trong thời gian tới vẫn phải duy trì, ngoại giao vẫn là trên hết. Khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, ta không có lý do gì mà không bán hàng", Bộ trưởng nhìn nhận.

"Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất trao đổi với phía nước bạn thành lập vùng xanh an toàn cho hàng hóa và thống nhất quy trình giao nhận. Thông tin thường xuyên đến các vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp. Đồng thời Bộ đã chỉ đạo tăng cường tiêu thụ trên thị trường nội địa cả truyền thống và thương mại điện tử", ông cho hay.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn sát từng thị trường. Nếu không nỗ lực nâng cao năng lực, tiêu chuẩn sản xuất ứng với yêu cầu của thị trường thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà và trở thành tiêu thụ cho các nước khác.

Tại sao không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm giá xăng nhanh nhất. Nếu muốn giảm các sắc thuế khác thì có thể phải đợi đến tháng 7.

Bộ trưởng Công Thương: Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được 5-7 ngày

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ kiến nghị tăng dự trữ xăng dầu quốc gia. Ngoài ra, nếu giá xăng tiếp tục tăng thì có thể tính đến việc giảm thêm thuế, phí.

Đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên mạng

Nhiều doanh nghiệp như Microsoft, Google, Facebook đã nộp thuế hàng trăm tỷ đồng khi kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thu thuế trên mạng.

Thanh Thương - Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm