Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường sáng 29/9, ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài thông tin về việc cấp sổ đỏ cho người chết khiến dư luận xôn xao, ông còn nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chậm trễ, tham nhũng, tiêu cực trong cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án chung cư tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Ảnh: N.Hưng. |
Trong sáng nay 29/9, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận được 17 chất vấn từ các đại biểu với 35 câu hỏi tập trung các vấn đề nóng như đất đai, khoáng sản, môi trường, dân trả lại đất lúa, lãng phí đất nông lâm trường...
"Thực tế có nhiều dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng cả năm trời mà không thấy nói gì đến chuyện sổ đỏ. Theo người dân, nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến việc cấp sổ đỏ lâu nay chậm trễ phần lớn là do tiêu cực, nhũng nhiễu", ông Cương nói.
Vẫn theo ông Cương, việc làm sổ đỏ nhà chung cư hiện nay không làm riêng lẻ từng trường hợp mà làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư. Lợi dụng việc này, cơ quan thẩm định là văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, thành phố đã thông qua chủ đầu tư phổ biến tại cuộc họp của các cư dân là phải nộp 8 triệu đồng để làm “phí bôi trơn” mới được cấp sổ đỏ.
"Bộ trưởng Bộ TNMT có biết thực trạng này không và trách nhiệm của Bộ TNMT như thế nào?", đại biểu Cương chất vấn.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, sau khi có Nghị quyết 30 của Quốc hội, Bộ TNMT đã cùng các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay, số liệu cho thấy, công tác cấp sổ đỏ đã đạt 85%.
"Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên việc chậm cấp sổ đỏ còn có tình trạng kéo dài, nhũng nhiễu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, nhất là tại các đô thị thì tình hình này lại hết sức phức tạp", Bộ trưởng Quang thừa nhận.
Về vấn đề cấp sổ đỏ tại các địa phương, ông Quang cho biết, về cơ bản đến nay đã hoàn thành, nhưng đối với các đô thị, ví dụ như Hà Nội, TPHCM còn rất phức tạp. Đơn cử, việc cấp sổ đỏ tại các chung cư, nếu chủ đầu tư đã làm xong việc của mình, vậy phần còn lại thì trách nhiệm thế nào?
Bộ TNMT đã cử nhiều đoàn xuống làm việc trực tiếp với Hà Nội, đến nay tình hình đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên tới đây rất cần thiết sự thanh kiểm tra của các địa phương.
Đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi về chất lượng các văn bản của bộ khi ban hành nhiều văn bản mà công việc vẫn không hiệu quả. Khi những khiếu nại đất đai lúc nào cũng ở con số 70% và những tồn đọng các vụ việc qua các năm vẫn còn, việc xử lý quá chậm thì đến bao giờ tình hình mới được khắc phục?
Bộ trưởng Quang cho biết, một số vụ việc xử lý chậm tại các địa phương do tâm lý các tỉnh cho rằng nếu làm quá chặt thì sẽ khó thu hút đầu tư. Ngoài ra, thời gian tới bộ sẽ làm chặt, các chủ đầu tư sau 24 tháng không đưa vào sử dụng đất sẽ bị thu hồi trắng.
Liên quan tới các khiếu nại về đất đai, báo cáo của bộ TNMT cũng cho biết, thời gian vừa qua đã giao xác minh 83 vụ việc, 73 vụ việc đã báo cáo, 24 vụ việc xem xét.
Có 30 vụ việc tồn đọng kéo dài thì đã giải quyết 29 vụ, còn 1 vụ đang cố gắng hòa giải để giải quyết dứt điểm.
Tổng Thanh tra Chính Phủ, Huỳnh Phong Tranh cho biết thêm, diễn biến tình hình khiếu nại tố cáo nói chung lượng đơn giảm, nhưng tính chất trong năm 2014 hết sức phức tạp và gay gắt.
Đoàn đông người tăng 15% so với 2013, một số trường hợp mang khẩu hiệu băng dôn đồng phục như HN, TP.HCM một số trường hợp kéo lên tận đại sứ quán Mỹ như ở Dương Nội.
Về khiếu nại đất đai trong cả nước 2014 đến nay phát sinh 82.000 đơn, 36.000 đơn khiếu nại đúng thẩm quyền, trong số khiếu nại đất đai chiếm 68% trong tổng số khiếu nại chung (tăng 12% so với năm 2013).Trong đó, tranh chấp đất đai 25%, đòi đất cũ 20%, 5% lả các vụ việc khác...Trong số hơn 500 vụ khiếu nại đến nay đã giải quyết được 94%...