Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bỏ trần giá vé máy bay là hợp lý, nhưng nên làm từng bước'

Đây là ý kiến của PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM về đề xuất bỏ trần giá vé của Cục Hàng không.

Nói với Zing về đề xuất đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định, TS Tống cho rằng bỏ trần giá vé máy bay là đề xuất hợp lý, giúp thị trường vận hành theo quy luật cung cầu.

Hàng không Việt đang cạnh tranh tốt

"Tình hình hiện nay ngành hàng không đang có sự canh tranh khá tốt, khác với thời kỳ khi Vietnam Airlines độc quyền. Hiện các hãng bay đều có thị phần riêng, cạnh tranh bằng thực lực. Đây là lúc cần bớt sự can thiệp của Nhà nước để thị trường cạnh tranh một cách tự do hơn. Tôi nghĩ thời điểm hiện tại bỏ giá trần là hợp lý", TS Tống nhận định.

bo tran gia ve may bay anh 1

TS Tống cho rằng đây là thời điểm thích hợp để dần bỏ trần giá vé máy bay khi cạnh tranh tại thị trường đang sôi động. Ảnh: Chí Hùng.

Chuyên gia này cũng cho rằng không chỉ những đường bay có 3 hãng trở lên khai thác mới nên bỏ giá trần mà nên loại bỏ hoàn toàn trần giá vé máy bay để thị trường vận hành linh hoạt hơn.

"Không quan trọng là bao nhiêu hãng tham gia khai thác đường bay mà cạnh tranh mới là yếu tố quan trọng. Nhiều nước họ chỉ có 2 hãng hàng không nhưng có cạnh tranh thực sự, hành khách vẫn được hưởng giá cả hợp lý. Còn với trường hợp các hãng hàng không đã bắt tay nhau để nâng giá thì vẫn là một dạng độc quyền thôi", nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM chia sẻ.

"Có chuyên gia cho rằng một hãng hàng không có 30% thị phần có thể chi phối giá vé nên cần đặt ra giá trần, tôi nghĩ rằng ý kiến này không đúng với tình hình cạnh tranh của hãng không Việt Nam hiện tại", theo ông Tống.

"Nói đường bay ít hãng khai thác thì cần giá trần cũng không đúng lắm vì đường bay mà không có ai bay lại bị áp giá trần thì hãng hàng không cũng không có động lực để khai thác. Nhà nước nên đóng vai trò theo dõi giá vé để can thiệp khi có dấu hiệu độc quyền, làm giá thay vì quản lý bằng khung giá vé", TS Tống nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng có nhiều ý kiến về việc giá vé máy bay sẽ biến động đột ngột nếu giá trần được cởi bỏ, ảnh hưởng tới hành khách và đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành khi các doanh nghiệp này thường lên giá tour khá xa dựa trên dự kiến giá vé. Về vấn đề này, ông Tống đề xuất nên có lộ trình 1-2 năm để bỏ dần trần giá vé, có thể thực hiện nâng dần giá trần rồi tiến tới bỏ hẳn.

Thị trường sẽ vận hành theo cung cầu

"Thị trường sẽ vận hành theo dạng 'tiền nào của nấy'. Có những hành khách họ chấp nhận giá vé cao để được hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng. Bên cạnh đó giá còn dựa vào thời điểm đặt vé của hành khách, người cần mua vé rẻ có thể đặt vé sớm. Luôn có sự lựa chọn chứ không có chuyện bỏ trần thì giá vé sẽ tăng phi mã, mà giá vé cao quá họ sẽ chọn hãng khác rẻ hơn, tất cả sẽ theo cung cầu", TS Tống dự đoán.

Đồng tình với ông Nguyễn Thiện Tống, nhiều chuyên gia hàng không cũng nhận định việc bỏ trần giá vé máy bay sẽ giúp thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu, giúp các hãng hàng không linh hoạt hơn trong điều chỉnh giá vé giai đoạn cao điểm, tối ưu hóa nguồn thu.

bo tran gia ve may bay anh 2

Với những đường bay có dưới 3 hãng tham gia khai thác, TS Tống cho rằng cũng nên bỏ giá trần để tạo động lực cho các hãng bay khai thác, giảm sự tác động của Nhà nước tới thị trường. Ảnh: Thế Sơn.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không lấy ý kiến, các đường bay cạnh tranh cao được đề xuất bỏ giá vé trần.

Dự thảo nêu rõ, Cục Hàng không đang đề xuất sửa đổi điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Cụ thể, với trường hợp đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Trước đó Vietnam Airlines cũng đề xuất nâng trần giá vé máy bay. Hãng đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6 - 1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng).

Vé máy bay Tết 2022 có thể tăng lên 10 triệu đồng nếu bỏ trần giá vé

Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu bay phục hồi và đề xuất bỏ trần giá vé của Cục Hàng không được thông qua, giá vé bay Tết 2022 có thể tăng cao kỷ lục.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm