Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ TNMT: Thông tin ô nhiễm trên mạng chỉ mang tính tham khảo

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng kết quả đo mức độ ô nhiễm của các trang mạng nước ngoài chỉ mang tính tham khảo do chưa có sự chuẩn hóa.

hop bao Chinh phu thuong ky anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
  • Tăng trưởng GDP có "nóng" hay không?

    - Tăng trưởng GDP quý III là 7,31%, mức cao nhất trong 9 năm qua. Đây là mức tăng trưởng bền vững hay nóng? Mức tăng GDP quý III tạo động lực cho kết quả cuối năm?

    - Trả lời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung, cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 7,31% trong quý III thì động lực tăng trưởng thể hiện rất rõ. Ông dẫn tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9,36%, riêng ngành chế biến - chế tạo đạt 11,37%, ngành dịch vụ tăng 6,85%.

    Ngoài ra, dù tình hình thế giới biến động, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt cao với mức 194 tỷ USD. Trong khi đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội khu vực ngoài Nhà nước chiếm hơn 45%.

    “Đây là những động lực rất quan trọng. Kết quả đưa ra là hoàn toàn phù hợp”, ông Trung nói.

  • Hà Nội đang tập trung cải thiện môi trường không khí

    Thông tin thêm về vấn đề ô nhiễm không khí, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Thế Hùng nêu bối cảnh đây là thời điểm chúng ta có biến đổi khí hậu và vào giai đoạn chuyển mùa đều có hiện tượng này. “Vừa qua, thời tiết không có gió và mưa, tạo lớp sương mù nên vấn đề khuếch tán của bụi hạt mịn có tác động rất lớn”, ông Hùng nói.

    Hà Nội có nhiều trạm quan trắc theo dõi tất cả các chỉ số về không khí, hạt bụi mịn 10 và 2.5 micromet, qua thời gian đo, ông Hùng cho biết các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn, còn riêng hạt bụi mịn thì vượt ngưỡng. Ông Hùng nhấn mạnh Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên và hàng ngày, trên các trang thông tin của TP và sở ngành đều có đầy đủ thông tin về không khí.

    hop bao Chinh phu thuong ky anh 2

    Theo ông, môi trường không khí bị ô nhiễm phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, vấn đề là đo và đánh giá thế nào cho chuẩn và đề nghị lấy số liệu được quy chuẩn ở Việt Nam mới có thông tin chính xác.

    Ông cũng cho hay Hà Nội xác định có nhiều nguyên nhân như khí thải từ phương tiện ôtô, đốt than tổ ong, tháo gỡ công trình, vật liệu xây dựng và do người dân đốt rơm rạ…

    “Hà Nội đang tập trung thực hiện các biện pháp, cải thiện môi trường không khí, đã lắp đặt các trạm quan trắc và đến năm 2020 sẽ hoàn thành lắp đặt 25 trạm trên địa bàn, theo đúng quy chuẩn của Việt Nam”, Phó chủ tịch Hà Nội thông tin.

    Ông cũng cho biết TP sẽ tập trung xử lý đảm bảo để các nguồn xả thải không ảnh hưởng đến môi trường không khí, quản lý các nhà máy xử lý nước thải… Đặc biệt, làm sao giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng và tuyên truyền trồng cây xanh, vận động dân không đốt rơm rạ.


  • Không khí ô nhiễm phụ thuộc nơi lắp thiết bị đo

    - Về vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm, trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 2 TP và các bộ trưởng giải trình về thực trạng ô nhiễm. Vậy các lãnh đạo đã báo cáo, giải trình gì? Chính phủ chỉ đạo thế nào để giảm thiểu ô nhiễm trước mắt và lâu dài, giúp người dân ổn định cuộc sống.

    - Bộ Tài nguyên Môi trường nói gì về đề xuất nên có ứng dụng trên di động cập nhật cho dân về chất lượng không khí. Bộ thấy trách nhiệm thế nào khi chưa có công cụ cảnh báo uy tín cho dân?

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho hay các thông tin chi tiết về vấn đề Bộ và Hà Nội đã cung cấp cho báo chí thời gian qua. Theo ông, với sự phát triển của cách mạng 4.0, việc có nhiều ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu cho người dân rất phát triển. Bên cạnh đó, các trang mạng phản ánh chất lượng không khí trên toàn cầu là trang mạng nước ngoài mà theo Bộ tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khắc nhau của Hà Nội và TP.HCM lắp đặt có các trang mạng này đặt hàng và truyền thông tin cho các trang này.

    hop bao Chinh phu thuong ky anh 3

    Về hạt bụi mịn PM2.5, ông Thành cho biết có kích thước hết sức nhỏ, để đo được nồng độ của hạt bụi này trước đây rất khó khăn nhưng giờ có công nghệ hiện đại nên có thể đo bằng nhiều phương pháp khác nhau. “Có những thiết bị đo theo công nghệ mới hiện nay như thiết bị cầm tay cũng cho ra kết quả tức thời nhưng độ chính xác chưa được chuẩn hóa nên thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu muốn có thông tin chính thức thì vào trang chính thống của cơ quan chức năng như Tổng cục Môi trường”, ông Thành nói.

    Về chất lượng không khí thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TNMT cho hay Hà Nội và TP.HCM đều có kế hoạch lắp thêm trạm đo về chất lượng không khí, cảnh báo kịp thời hơn cho người dân vào mùa chất lượng không khí sụt giảm. “Nhưng chất lượng không khí sụt giảm cũng có lúc, có nơi, phụ thuộc vào nơi lắp đặt thiết bị đo. Có nơi đặt thiết bị gần nơi bụi thì chỉ số cao nhưng không đại diện cho môi trường nơi đó”, Thứ trưởng Lê Công Thành giải thích.

    Về dài hạn, ông cho biết Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn vào không khí. Thời gian tới Bộ TNMT và các địa phương sẽ triển khai kế hoạch này để cải thiện không khí tại các TP lớn.


  • Chưa khẳng định thời gian chạy của đường sắt Cát Linh - Hà Đông

    Trả lời câu hỏi về tiến độ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã cung cấp thông tin và hiện trường thi công cơ bản đã xong phần xây lắp thiết bị đơn lẻ trên hệ thống. Tuy nhiên tồn tại lớn nhất là việc cung cấp các hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống, theo quy định là tư vấn độc lập (đơn vị của Pháp).

    Nhưng việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ để có cơ sở đánh giá an toàn hệ thống. Mà theo quy định phải đánh giá xong mới chạy tích hợp các hệ thống. Bộ tích cực làm việc với Tổng thầu và Hà Nội.

    Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa qua đã kiểm tra và có chỉ đạo, Bộ sẽ phối hợp…

    hop bao Chinh phu thuong ky anh 4

    Với dự án nâng cấp sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, vì sao ACV có thừa tiền nhưng không có cơ chế để làm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết với trách nhiệm đầu tư nâng cấp cải tạo đường băng thì phải có nguồn vốn Nhà nước, còn duy tu, bảo trì thì do công ty. Nhưng hiện nay để có vốn Nhà nước thì đang vướng cơ chế.


  • Không chủ quan

    Trong những tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, yếu kém.

    Thủ tướng cũng yêu cầu cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và quán triệt các bộ ngành chức năng có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài hay Nghị quyết về cách mạng 4.0.

    “Cần khẩn trương hoàn thành rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ. Đừng giảm hình thức mà phải giảm thực chất, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn”, Thủ tướng yêu cầu.

    Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội, TP.HCM có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vụ hỏa hoạn ở nhiều nơi, cần công khai thông tin và nhắc nhở người dân về các biện pháp an toàn kịp thời hơn...

  • Nhiều thành tựu trong 9 tháng

    Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông báo “tin mừng” chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế xã hội. Trong bối cảnh tăng trưởng của nhiều nền kinh tế giảm mạnh, nhiều nước hạ lãi suất, kinh tế Việt Nam tiếp tục có xu hướng tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều có các chỉ số theo hướng tích cực. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 9 năm qua và lạm phát rất thấp dù chúng ta có điều chỉnh về giá xăng, dầu.

    Bên cạnh đó, hầu hết các ngành đều phát triển, ổn định mang tính bền vững. Tổng vốn đầu tư ngoài xã hội tăng 10,3%, khu vực ngoài Nhà nước chiếm hơn 43%.

    “Vừa qua nếu không có giải pháp mạnh thúc đẩy kinh tế tư nhân thì chắc chắn không có kết quả này”, ông Dũng nói. Đặc biệt, vốn FDI cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 14,2 tỷ USD - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Người phát ngôn Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh với sự nỗ lực của cả hệ thống, 9 tháng qua chúng ta đạt nhiều thành tựu.

Hoài Thu - Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm