Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản diễn ra chiều 8/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến tình hình đấu giá đất thời gian qua.
Theo ông, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch đã tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai. Các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.
Thậm chí, sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc, gây dư luận không tốt tại một số địa phương.
Thứ trưởng cũng cho biết có địa phương sử dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm chênh lệch lớn. Mức giá khởi điểm thấp đã thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
"Qua nắm bắt tình hình nêu trên cho thấy những vấn đề nổi lên trong thời gian qua xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương", ông Lê Minh Ngân nói.
Từ thực tế này, Thứ trưởng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất.
Đặc biệt, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Giải pháp này từng được UBND TP Hà Nội yêu cầu các huyện thực hiện trong bối cảnh hoạt động đấu giá đất "nóng" lên trên địa bàn. Theo chỉ đạo của TP, UBND cấp huyện phải lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công an TP có trách nhiệm phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá đất, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng sau đó không nộp tiền.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hà Nội sẽ công khai người bỏ cọc đất đấu giá
UBND TP Hà Nội yêu cầu các huyện công khai danh sách các cá nhân trả giá cao hơn thị trường để "thổi giá" đất sau đó bỏ cọc. Những người này có thể bị hạn chế tham gia đấu giá.
Đất nền vùng ven Hà Nội ra sao sau 1 tháng 'sốt' đấu giá?
Sau các phiên đấu giá trên 100 triệu đồng/m2, đất nền vùng ven Hà Nội như huyện Thanh Oai, Phúc Thọ rục rịch tăng giá nhưng không có nhiều giao dịch.
55/68 lô đất đấu giá tại Thanh Oai (Hà Nội) bỏ cọc
Các lô đất bỏ cọc đều có giá trúng trên 80 triệu đồng/m2. Số tiền huyện Thanh Oai thu được từ phiên đấu giá chỉ tương đương 1/5 mức dự kiến.