Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới nhất vừa được Bộ Tài chính gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ “động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường”.
Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012, và đã đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, giai đoạn 2012-2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường khoảng trên 150.000 tỷ đồng, bình quân hơn 25.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Tài chính nói giá xăng dầu của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới. Ảnh: Hiếu Công. |
Với lý do giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á (giá xăng của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước), Bộ vẫn bảo lưu quan điểm nhất thiết phải điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.
"Các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi ny lon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Và cũng theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều", tờ trình của Bộ Tài chính nêu.
Ngoài ra, Bộ này còn cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin và được ủng hộ. Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác. Các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn.
Theo tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi ny lon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng túi ny lon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), sẽ thu được khoảng 67,5 tỷ đồng (tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm).
Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng/kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.
Ngân sách sẽ có thêm khoảng 14.300 tỷ đồng khi tăng thêm thuế xăng dầu. Ảnh: Lê Hiếu. |
Nếu phương án được tăng qua, Bộ Tài chính tính tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ở các lần đề xuất trước, bộ này đều vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Nhiều người cảm thấy hoài nghi về lý do thực sự của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì, hiệu quả bảo vệ môi trường thực sự thế nào, đo lường ra sao.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), từng cho biết nếu đánh thuế môi trường để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, mặt hàng ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không làm như vậy, vì thu thuế xăng dầu dễ hơn, dù xăng dầu gây ô nhiễm ít hơn than.
Ông nhấn mạnh nếu tiếp tục tăng thuế môi trường với xăng dầu, điều này đồng nghĩa mục tiêu hạn chế tiêu dùng sản phẩm ô nhiễm, tiêu dùng xanh không đúng.