Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính siết doanh nghiệp tăng vốn sau vụ FLC Faros

Bộ Tài chính yêu cầu giám sát chặt quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết, hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng.

Đây là một trong những quy định được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra tại Chỉ thị 02 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định trên thị trường chứng khoán.

Tại chỉ thị này, Bộ Tài chính đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán và các đơn vị thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách, hạn chế các lỗ hổng chính sách tạo cơ hội cho các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Thắt chặt hoạt động doanh nghiệp tăng vốn

Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Vụ tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Vụ pháp chế, Cục tài chính doanh nghiệp, Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán... rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ mất an ninh, an toàn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý chứng khoán cũng phải rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Với các yêu cầu kể trên, các đơn vị trực thuộc phải tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ Tài chính trước ngày 30/9.

Liên quan hoạt động niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng cường giám sát các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường. Yêu cầu thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết/giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp.

bo tai chinh,  uy ban chung khoan anh 1

Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán thẩm định chặt hồ sơ đăng ký niêm yết/giao dịch của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh.

Trong đó, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý với các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng…

Chỉ thị yêu cầu Ủy ban Chứng khoán phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Thuế, nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng, đảm bảo hoạt động này diễn ra nghiêm túc, thực chất, theo đúng quy định của pháp luật.

“Hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn.

Xử lý công ty chứng khoán tiếp tay làm giá cổ phiếu

Tại chỉ thị mới, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lên kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các công ty kế toán, kiểm toán và các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết.

Mục đích của hoạt động này là để phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm. Trong đó, Bộ yêu cầu các biện pháp xử phạt phải nghiêm khắc, có tính răn đe như rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh…

Chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư

Chỉ thị 02/CT-BTC của Bộ Tài chính

Trong hoạt động này, Ủy ban Chứng khoán phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của các thành viên thị trường, bao gồm công ty chứng khoán, kiểm toán, quỹ đầu tư…

Trong đó, các công ty chứng khoán phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động, tập trung vào một số nghiệp vụ như tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp… cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Trên cơ sở này, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán. Từ đó, xem xét có hay không việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư không đủ điều kiện.

Sau quá trình này, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Vụ tài chính ngân hàng đề xuất bổ sung trách nhiệm, xem xét giới hạn một số nghiệp vụ của công ty chứng khoán nhằm hạn chế tình trạng tăng trưởng nóng của nhóm doanh nghiệp này.

Liên quan hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán, VNX, HoSE, HNX tăng cường giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh. Trong đó, giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép.

Với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi.

“Cần chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản này và báo cáo lại Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính để phối hợp với NHNN, Bộ Công an xử lý. Trong trường hợp cần thiết đề nghị NHNN có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn”, chỉ thị nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán sớm đề xuất với Bộ nhu cầu tăng cường cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát tương xứng với quy mô và sự phát triển của thị trường, đảm bảo hiệu quả công tác thanh kiểm tra.

Ủy ban Chứng khoán lên tiếng về vụ FLC Faros tăng vốn ảo gần 2.900 lần

UBCK cho biết việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng được FLC Faros thực hiện trước khi niêm yết. Đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

UBCK: Đang điều tra một số doanh nghiệp tăng vốn ảo

Các trường hợp doanh nghiệp không có vốn nhưng vẫn phát hành tăng thêm trong thời gian qua đang được Ủy ban Chứng khoán điều tra và sẽ công bố đích danh trong thời gian tới.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm