Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính: Nợ công năm 2018 xuống dưới 61% GDP

So với tỷ lệ nợ công trước đó vào cuối năm 2017, nợ công/GDP đến cuối năm nay đã giảm hơn 0,3 điểm %. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp tỷ lệ nợ công trên GDP giảm.

Đây là tỷ lệ nợ công chính thức tính đến cuối năm 2018 vừa được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính -ngân sách Nhà nước năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2019 vào chiều nay (9/1).

Theo thông tin từ người đứng đầu ngành tài chính, năm vừa qua, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động của ngành với 166 nhiệm vụ và đề án để thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn.

Cụ thể, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2018 là 12,63 năm với mức lãi suất bình quân khoảng 4,67%. Nếu so với mức lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2017, lãi suất năm nay đã giảm 1,31 điểm %. Nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ cũng được đa dạng hơn với tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ 78% cuối năm 2016, giảm xuống còn 53,1% hiện nay.

Theo báo cáo này, Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương. Tính đến 31/12/2018, dư nợ công đã xuống dưới 61% GDP, dư nợ Chính phủ xuống dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia đạt khoảng 49,7% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. So với tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2017 trước đó, tỷ lệ này đã giảm rõ rệt.

no cong 2018 duoi 61% GDP anh 1

Về hoạt động thu - chi ngân sách, đến hết năm 2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1,422 triệu tỷ đồng, vượt 103.500 tỷ đồng (7,8%) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương cũng vượt 12,5% so với dự toán.

Nhờ công tác thu đạt khá nên các nhiệm vụ chi Ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán. Cơ cấu chi cũng được chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27%.

Tuy nhiên, trong công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính cho biết nguồn NSNN vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến cuối năm 2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán trong khi cùng kỳ năm trước đạt 70,7% dự toán. Trong đó, vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán.

Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện thấp hơn so với dự toán 3,7% GDP.

Số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho biết thị trường chứng khoán trong nước năm qua đã có nhiều biến chuyển. Tính đến ngày 28/12/2018 (phiên giao dịch cuối cùng trong năm), vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017. Số này tương đương 79% GDP năm 2017, và 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.

Năm vừa qua Bộ cũng đã trình Chính phủ Đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và triển khai phát triển thị trường đa dạng, mở rộng các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài…

Trong công tác tái cơ cấu DNNN, năm vừa qua, đã có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án, 15/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. 21 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu. Các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đấu giá cổ phần, thoái vốn thu về cho nhà nước gần 40.000 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính kế hoạch tăng khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Đến cuối năm 2019 kế hoạch dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định khoảng 61,3 % GDP.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm