Liên quan tới việc giá thép tăng phi mã, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các loại thép đang có nhu cầu cao trong nước để bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá thời gian qua.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (thuộc Bộ Tài chính) cho biết để có thể bình ổn giá thép bán ra trong nước, trước hết cần kiểm soát giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp. Để làm được điều này, cơ quan quản lý có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng hiện nay.
Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách cũng cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng. Theo đó, chính sách đưa ra phải vừa giúp bình ổn giá trên thị trường, giúp ngành thép trong nước phát triển bền vững, nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu năm 2016.
Theo vị đại diện, với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với nguyên liệu để sản xuất thép đang được quy định ở mức thấp nhất là 0% (nhóm 72.03), 1% đối với phôi thép (nhóm 72.06) và 3% (với nhóm 72.04).
Theo Bộ Tài chính, nếu muốn giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với thép thành phẩm để bình ổn giá mặt hàng này trong nước cần phải tính toán và xem xét cẩn trọng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Việc quy định thuế suất này ở mức thấp thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào.
Trong khi đó, với thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng thuộc nhóm 72.13 đến 72.16 có mức thuế suất thuế MFN là 15% với thép hình, thép góc và 20% đối với thép dạng thanh que. Thị trường để nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thành viên của 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)…
Như vậy, mức thuế suất thuế nhập khẩu thép đã được quy định trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật, đồng thời phù hợp với thực trạng phát triển của ngành thép trong nước, cũng như cam kết về cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và các FTA.
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế, điều quan trọng nhất trong việc bình ổn thị trường thép trong nước chính là việc cân đối được cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm tính từ 22/3 năm nay.
Theo đó, các chủng loại phôi thép nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế tự vệ ở 15,3% trong năm đầu tiên (đến 21/3/2021); giảm về 13,3% trong năm tiếp theo (đến 21/3/2022); và xuống mức 11,3% áp dụng đến hết ngày 21/3/2023.
Còn đối với các sản phẩm thép dài, mức thuế tự vệ tương tự áp dụng trong thời gian kể trên là 9,4%; 7,9% và 6,4%.