Sáng 15/9, tọa đàm giới thiệu bộ sách Ký ức người lính diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2020), đang diễn ra tại địa chỉ Book365.vn.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban chỉ đạo công trình sách Ký ức người lính tại tọa đàm tổ chức sáng 15/9. Ảnh TM. |
Nếu chúng ta không làm, mọi thứ sẽ trôi mất
Tại tọa đàm, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban chỉ đạo công trình sách Ký ức người lính - đã có những chia sẻ cụ thể về bộ sách này.
Khởi động từ năm 2012 đến nay, dự án Ký ức người lính với sản phẩm chủ đạo là công trình sách đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ của các cựu chiến binh, sự đón nhận của bạn đọc gần xa trong và ngoài nước.
Sau 8 năm thực hiện, đã có 13 tập sách Ký ức người lính ra mắt. Mỗi tập sách là một chủ đề gắn với những ngày kỷ niệm lớn, những dấu mốc trọng đại trong cuộc trường chinh của dân tộc.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng công trình sách này, ông Lê Doãn Hợp cho biết, trước đây ông có một ấp ủ, khát vọng là làm sao viết được tất cả kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời làm lính để lại cho đời sau.
Ông cũng cho biết sau khi chiến tranh kết thúc 15-20 năm, chúng ta có rất nhiều tác phẩm nhưng vẫn chưa một tác phẩm nào ngang tầm với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Không một ai có thể khái quát được cả một cuộc chiến vào một tác phẩm. Không ai có thể nói được hết sự hy sinh anh dũng của quân và dân cả nước…
Điều đáng lo nhất là thời gian cứ dần trôi, những tư liệu lịch sử, những chiến công, kỳ tích chưa được tôn vinh sẽ khuất dần theo năm tháng, theo số phận của từng con người đi sâu vào lòng đất. “Nếu chúng ta không làm, mọi thứ sẽ trôi mất”, ông Lê Doãn Hợp nói.
Xuất phát từ những lý do trên, ông Hợp và những người đồng chí cùng chí hướng thấy cần có một cuộc phát động toàn quân toàn dân viết, kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những câu chuyện này được tổng hợp lại thành một tuyển tập, với tên gọi là Ký ức người lính. Đây sẽ là tài sản quý giá của thế hệ chống Mỹ để lại cho đời sau.
Một số cuốn trong bộ Ký ức người lính. Ảnh: Báo Cao Bằng |
Truyền lửa cho thế hệ sau
Nói về ý nghĩa của Ký ức người lính, ông Lê Doãn Hợp cho rằng công trình sách này là kho tư liệu đồ sộ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam mà trước đây chúng ta có đôi chỗ bỏ sót, hoặc chưa đề cập đến.
Tất cả tư liệu này lại gắn liền với từng con người đã đi vào lịch sử, viết nên lịch sử. Nếu chúng ta không khai thác nhanh thì những tư liệu quý giá của dân tộc bị chôn vùi vĩnh viễn.
Mặt khác, công trình này viết về thế hệ thanh niên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (ở hậu phương cũng như chiến trường) với nhiều góc độ khác nhau. Đây là thế hệ vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: Luôn lạc quan yêu đời, chiến đấu gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc…
"Viết về thế hệ này có nghĩa là chúng ta đã truyền lửa, để thế hệ sau sống và làm việc xứng đáng với thế hệ đi trước, tiếp nối ngọn lửa của thế hệ đi trước, tiếp nối hào quang chủ nghĩa anh hùng, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc mình", ông Hợp nói.
Đề cập đến kế hoạch xuất bản các tập Ký ức người lính, ông Lê Doãn Hợp cho biết dự kiến hết năm nay sẽ làm cho đến tập 15.
Trong thời gian tới, tư liệu sử dụng viết sách sẽ phong phú hơn. Cuộc chiến tranh được viết ở nhiều góc độ khác, trong đó có cả góc nhìn của các lực lượng đã tham chiến ở Việt Nam. Làm như vậy nội dung sẽ phong phú hơn, sâu đậm hơn, khách quan hơn. Ông Hợp chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Giám đốc, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông - đã chia sẻ quá trình làm những tập sách Ký ức người lính đầu tiên.
Nói về nội dung công trình sách này, bà Hà cho rằng Ký ức người lính là một bức tranh khá toàn diện, là một minh chứng sống cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta. Công trình có rất nhiều ý nghĩa cho thế hệ mai sau.