Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ sách giúp trẻ khám phá những điều thú vị của cơ thể

Sáu cuốn sách chứa thông tin khoa học sẽ giúp trẻ hiểu về cơ thể của mình, từ đó các bé có ý thức tự bảo vệ khi không có người lớn bên cạnh.

Những kiến thức khoa học về các bộ phận trên cơ thể được thể hiện với nội dung đơn giản, dễ hiểu, tranh vẽ sinh động. Đó là những kiến thức cơ bản về vai trò, chức năng của máu, rốn, bàn chân... được viết riêng cho thiếu nhi.

Chuyện của máu

Chuyện của máu là cuốn sách của tác giả Horiuchi Seiichi, sẽ giúp bạn nhỏ khám phá những “bí mật” về máu trong cơ thể mình. Các bé sẽ biết khi chúng ta bị thương, máu sẽ chảy ra là vì các ống dẫn máu bị vỡ.

“Máu đi qua mọi nơi trong cơ thể chúng ta, đến tận đầu ngón tay, đầu ngón chân và cả đỉnh đầu”. Đó là lý do khi các bé dùng bàn tay để chắn ánh sáng của đèn pin sẽ thấy bàn tay có màu đỏ.

Và “máu được tim bơm đi, chảy qua động mạch tới mọi ngóc ngách trong cơ thể, sau đó chảy qua tĩnh mạch để trở về tim”. Vì vậy, đôi khi, chúng ta sờ vào cổ tay, cổ hay thái dương sẽ cảm thấy được nhịp tim.

Ngoài ra, cuốn sách còn chứa thông tin về máu như cấu tạo của máu, sự khác nhau về lượng máu của người lớn và trẻ em, của động vật và con người...

khoa hoc co the anh 1

Sách Bí mật của rốn. Ảnh: P. P.

Bí mật của rốn

Bí mật của rốn là câu chuyện thú vị về rốn của con người. Bạn đọc nhỏ chắc chắn sẽ thắc mắc tại sao ở bụng lại có rốn? Rốn là đồ trang trí cho bụng phải không? Liệu mỗi người có hai cái rốn có được không? Có phải chúng ta không nên lấy cặn rốn? Cuốn sách Bí mật của rốn sẽ giải đáp cụ thể băn khoăn của bạn nhỏ.

Các bé sẽ biết rằng khi em bé ở trong bụng mẹ, dây rốn rất dài. Nó có chức năng nhận khí oxy và chất dinh dưỡng từ máu của mẹ để em bé phát triển cho đến khi chào đời. Cũng nhờ nhận được khí oxy từ mẹ mà dù nằm trong tử cung bồng bềnh nước “như những phi hành gia”, chúng ta vẫn luôn an toàn.

Rốn cũng mang một ý nghĩa mà sẽ khiến các bé rất vui, “rốn chính là bằng chứng cho việc chúng ta đã ở trong bụng mẹ”. Vì vậy, ai cũng có rốn ở bụng.

Bí mật của vảy vết thương

Khi chúng ta bị thương, ít lâu sau, chỗ vết thương sẽ xuất hiện màu đen. Bạn đọc nhỏ thường có hành động bóc vảy vết thương này vì ngứa. Tuy nhiên, bé không nên bóc vảy vết thương.

Vảy vết thương, dù trông sần sùi, gây khó chịu, nhưng lại có chức năng rất “thần kỳ”. Các bé sẽ biết vảy vết thương được hình thành từ máu và chính là cục máu đông. Vì thế, dưới lớp vảy có màu đỏ, rồi có “những chấm vàng và trắng” trông rất đáng sợ. Thực ra, vùng đáng sợ bên dưới lớp vảy đang “nhanh chóng tạo nên lớp da mới”.

Thực tế, “mặt trên cùng của da hơi cứng, có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập cơ thể”. Da bị rách nghĩa là lớp bảo vệ không còn. Để ngăn vi khuẩn tấn công, vảy vết thương sẽ được hình thành. Vì vậy, vảy thường rất cứng.

Cuốn sách còn bao gồm nhiều thông tin bổ ích và thú vị khác về cơ chế hình thành vảy vết thương, thời điểm vảy vết thương dần biến mất.

khoa hoc co the anh 2

Một số cuốn sách tranh dạy bạn đọc nhỏ về cơ thể. Ảnh: P.P.

Câu chuyện về bàn chân

Tác giả Gen-ichiro Yagyu nhắn nhủ bạn nhỏ rằng: “Hãy để chân trần và đọc cuốn sách này nhé?”. Bởi vì, bàn chân sẽ cho các bé biết nhiều sự thật thú vị.

Qua cuốn sách, các bé biết được tổ tiên của loài người sống trên cây, nên bàn tay và bàn chân đều giống hệt nhau. Bàn chân của con người tiến hóa như ngày nay là do họ chuyển từ trên cây xuống mặt đất để đi lại, chạy nhảy.

Bàn chân của con người rất nhạy cảm, nếu đi trên cát nóng sẽ cảm nhận được ngay. Bàn chân có thể giúp chúng ta biết đồ vật đang va phải là gì, dù trong bóng tối.

Có một sự thật thú vị khác, đó là khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất, không có nghĩa là lòng bàn chân sẽ chạm đất. “Phần không tiếp xúc mặt đất gọi là gan bàn chân”. Bàn chân của trẻ sơ sinh chưa có gan bàn chân.

Ngoài ra, các bé sẽ biết thêm nhiều kiến thức khác, như người càng đi bộ nhiều thì gan bàn chân càng to, chân sẽ khỏe hơn và không bị mệt khi đi bộ đường dài…

Câu chuyện về lỗ mũi

Với cuốn sách này của tác giả Gen-ichiro Yagyu, bé sẽ biết lỗ mũi cũng có kích thước và hình dáng khác nhau.

“Hầu hết loài động vật đều có 2 lỗ mũi” như voi, rùa, lạc đà, chó… Nhưng “cũng có loài chỉ có một lỗ mũi”, đó là mũi của cá heo. Đặc biệt hơn, lỗ mũi của cá heo nằm ở trên đầu.

Các bé cũng sẽ biết mũi của hải cẩu có thể “mở thật to, cũng có thể đóng thật chặt”. Vì vậy, khi lặn, nước không thể vào mũi của hải cẩu được.

Đặc biệt, cuốn sách Câu chuyện về lỗ mũi sẽ giúp bé nhận thức được nhiệm vụ quan trọng của mũi là hít thở không khí, đồng thời nhận biết các mùi xung quanh. Ngoài ra, nhiều trẻ sẽ thắc mắc rằng tại sao trong mũi lại có gỉ? Cuốn sách này sẽ cho lời giải thích rõ ràng và dễ hiểu.

Chiếc hộp cứu thương

Cuốn sách được viết bởi tác giả Makoto Yamada, là cẩm nang chăm sóc sức khỏe mà mỗi gia đình đều nên có.

Cuốn sách sẽ hướng dẫn cha mẹ và các bé cách sơ cứu vết thương khi bị bỏng, vết cắt nhỏ, bị dằm đâm, kẹp cửa vào tay, chảy máu cam, nấc, bị mèo cào…

Cách xử lý vết thương được miêu tả chi tiết thông qua các nét vẽ ngộ nghĩnh, vì thế sẽ lôi cuốn trẻ vào thực hành, qua đó giúp các bé dễ nhớ hơn.

Bộ sách cung cấp thông tin hữu ích về trẻ em trên toàn thế giới

Những câu hỏi như: Trẻ em trên toàn thế giới sống thế nào, đón Giáng sinh ra sao hay mừng lễ tết như thế nào? sẽ được giải đáp trong một bộ sách đẹp mắt dành cho thiếu nhi.

Phan Phan

Bạn có thể quan tâm