Rất nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đánh giá cao bộ sách, coi đây là tài liệu cung cấp những hiểu biết phong phú và chính xác nhất về trấn Nghệ An xưa (bao gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Bộ sách vừa được NXB Khoa học Xã hội xuất bản, theo bản dịch của dịch giả Nguyễn Thị Thảo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Bộ sách có lẽ được làm trong thời gian Bùi Dương Lịch giữ chức Đốc học Nghệ An và được in khắc sau khi ông mất, dưới triều vua Tự Đức. Sách gồm 3 phần lớn gồm Thiên chí - nói về thiên văn và khí tượng vùng đất Nghệ Tĩnh và Việt Nam nói chung, Địa chí - nói về địa lý hình thể của đất Nghệ Tĩnh, Nhân chí - nói về đặc điểm tính cách và các nhân vật nổi bật của đất Nghệ Tĩnh.
Ở phần Địa chí, bộ sách mô tả chi tiết các đặc điểm địa lý của xứ Nghệ thời xưa, từ cương vực, mạch đất, các hòn đảo, ngọn núi (kể cả gò), các con sông, hồ, cửa biển...
Nghệ An ký mô tả chi tiết các đặc điểm địa lý của vùng đất xứ Nghệ xưa, với đầy đủ núi non, sông hồ. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Phần Nhân vật, Bùi Dương Lịch dùng các thư tịch cổ để chứng minh Việt Thường thị là cộng đồng người tồn tại ở phía Nam nước Văn Lang mà Nghệ Tĩnh dường như là trung tâm, cùng với truyện về vua Mai Hắc Đế, tiểu sử 150 nho sĩ tên tuổi quê xứ Nghệ như Hồ Tông Thốc, Bùi Cầm Hồ, Hồ Sĩ Dương... và 30 võ tướng như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Xí, Bùi Thế Đạt...
Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh cho rằng Bùi Dương Lịch là người đã đi du lãm khắp nơi trong xứ Nghệ, nên ông biết nhiều và hiểu sâu về mảnh đất này. Lại nhờ giữ chức Đốc học, nên ông cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu cũng như có điều kiện để đến tận các địa phương để điều tra, sưu tầm. Cách làm việc của Bùi Dương Lịch cũng thể hiện sự cẩn thận và tính chính xác, khi mỗi trích dẫn đều thường có ghi đủ xuất xứ.
Sách cung cấp cho hậu thế nhiều tư liệu quý hiếm, như lịch sử phong trào Tây Sơn, ghi chép về hoạt động của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh, câu chuyện vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc...
Ấn bản Nghệ An ký vừa phát hành còn có phụ bản là ảnh chụp toàn bộ 461 trang chữ Hán chép tay sách gốc đang được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Bùi Dương Lịch (1757-1828) quê ở xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), đất học nổi tiếng của vùng Nghệ An xưa. Cha ông đỗ Hương cống, từng làm tri phủ tại Thanh Hóa.
Năm 1774, ông đỗ Hương cống lúc 17 tuổi, được vào Quốc Tử Giám ở Thăng Long học, nổi tiếng là người hay chữ. Năm 1787, ông dự kỳ thi Đình, đỗ Hoàng giáp. Là người có tài năng, Bùi Dương Lịch được cả ba triều đại nối tiếp nhau là Lê, Tây Sơn và Nguyễn tín nhiệm, tuyển chọn làm quan.
Năm 1786, Bùi Dương Lịch được tiến cử vào làm việc trong triều đình vua Lê Chiêu Thống, đồng thời được giao nhiệm vụ dạy Điền quận công Lê Duy Lựu (em ruột vua).
Sau khi triều Lê sụp đổ, năm 1791, Bùi Dương Lịch được vua Quang Trung vời ra giúp việc biên soạn và dịch thuật ở Viện Sùng chính dưới sự chỉ đạo của người đồng hương là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Tuy nhiên năm 1792, vua Quang Trung mất, Viện Sùng chính ngừng hoạt động, ông về quê dạy học. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, Bùi Dương Lịch lại được triệu ra giữ chức Đốc học Nghệ An (1805), rồi làm Phó Đốc học Quốc Tử Giám ở kinh thành Phú Xuân (1812), nhưng chỉ được một năm thì xin cáo về quê (1813), tiếp tục làm nghề dạy học tư và soạn sách cho đến khi mất (1828), lúc ông 71 tuổi.
Ông là một nhà sử học, địa lý học có nhiều tác phẩm giá trị. Bên cạnh Nghệ An ký, ông còn viết bộ Lê quý dật sử, ghi lại các sự kiện lịch sử cuối triều Lê và trong thời Tây Sơn (từ năm 1758-1793), Nghệ An chí, chủ biên bộ Nghệ An phong thổ ký, cùng các tác phẩm thơ văn như Bùi gia huấn hài, Ốc lậu thoại, Yên Hội thôn chí.