Chúng tôi mua vé ngồi ghế cứng ở toa số 5, khi lên tàu thấy trong toa còn được tăng cường bán thêm nhiều chỗ ngồi là loại ghế phụ (ghế nhựa), hành khách ngồi chật kín cả lối đi.
Ở phía bên trên chỗ để hành lý cho hành khách và phía dưới ghế ngồi cứng là chỗ ngồi của chúng tôi - hành lý của nhiều hành khách vào trước đã nhét chật cứng.
Hành khách ngồi nghỉ, ngủ ở khu vực nhà vệ sinh, rửa mặt trên tàu. |
Chúng tôi gọi nhân viên phụ trách của toa tàu đến để phàn nàn thì chỉ nhận được câu nói an ủi rằng hãy thông cảm với nhau trong ngày tết. Không có chỗ để chân, chúng tôi đành phải ngồi bó gối ngay chỗ ngồi của mình.
Ngồi bó gối lâu quá tê cứng cả chân, chúng tôi đành phải lựa chọn giải pháp ra khỏi chỗ ngồi, đi vào các toa tàu khác cho đỡ mỏi mệt, thì thấy ở nhiều toa khác cũng chung tình trạng ghế phụ chật kín lối đi.
Những người ngồi ghế phụ còn khổ sở hơn ngồi ghế cứng như chúng tôi. Ghế phụ chỉ là ghế nhựa nhỏ “di động”, người ngồi không thể ổn định.
Cứ mỗi lần có hành khách đi lại hoặc xe đẩy của nhân viên phục vụ bán thức ăn, nước uống cho hành khách trên toa tàu đi qua là hành khách ngồi ghế phụ phải vội vàng xách ghế nhựa đứng lên hoặc nép người vào chỗ hành khách ngồi ghế chính để nhường chỗ đi lại.
Cứ phải liên tục đứng lên, ngồi xuống, nép người... để tránh chỗ, tôi thấy vẻ mỏi mệt xuất hiện trên mặt nhiều người ngồi ghế phụ khi tàu rời ga chưa được bao lâu.
Hơn 22h, khi những chuyến xe đẩy của nhân viên bán thức ăn, nước uống trên tàu cho hành khách bắt đầu nghỉ phục vụ.Hành khách tranh nhau tìm chỗ dưới sàn tàu, là lối đi lại của hành khách trong mỗi toa tàu, để lót áo mưa, lót chiếu đã mua dưới ga mang lên hoặc lót giấy báo nằm ngủ cho đỡ mệt. Lối đi của toa tàu chật cứng.
Một số hành khách không tìm được chỗ nằm trong toa đành phải tìm chỗ nằm, ngồi ngủ nơi cửa lên xuống hay cạnh nhà vệ sinh, bồn rửa mặt.
Mặc dù trong toa tàu có trang bị nhiều quạt máy, mở vù vù vào ban đêm và thời tiết ban đêm khá lạnh nhưng hơi nóng từ lượng hành khách quá đông ngồi, nằm ngủ vật vạ trên tàu khiến không khí vô cùng bức bối.
Lúc này trong toa gần như không còn chỗ để đi lại. Nhiều hành khách phải trèo cả lên thành ghế cứng để đi vệ sinh vì sợ giẫm đạp vào những người đang nằm ngủ dưới sàn tàu.
Một vài hành khách lịch sự, sau khi ra khỏi nhà vệ sinh đã tháo giày dép của mình ra cầm trên tay vì ngại đạp giày dép bẩn vào chỗ nằm ngủ của người khác. Thú thật, dù khát nước nhưng chúng tôi không dám uống nhiều từ khi lên tàu vì mỗi lần muốn ra khỏi chỗ ngồi để đi vệ sinh thật khó.
Những hình ảnh trên chuyến tàu tăng cường SQ1 từ ga Quảng Ngãi mà chúng tôi đã đi vào mùng 8 tết thực tế không xa lạ với các hành khách thường xuyên đi lại bằng tàu lửa để về thăm quê dịp tết nhiều năm qua.
Trong suốt chuyến đi trên tàu, chúng tôi cứ thấy ngột ngạt, bức bối, đôi chân tê cứng vì tư thế ngồi bó gối... Nhiều hành khách cũng chung tâm trạng như chúng tôi.
Đó là chưa kể trong tôi còn có nỗi lo lỡ có xảy ra sự cố bất trắc trên tàu trong đêm (ví dụ như ai đó hút thuốc vô tình gây cháy) thì làm sao tránh khỏi cảnh giẫm đạp lên nhau khi kẻ nằm người ngồi la liệt và các lối đi gần như bị choán hết chỗ?
Đành rằng trong ngày tết nhu cầu đi lại tăng cao, nhưng tôi nghĩ việc bán ghế phụ đã khiến hàng trăm hành khách phải chịu cảnh vật vã, mệt mỏi đến bơ phờ trên mỗi chuyến tàu tết, chưa kể mối nguy hiểm rình rập.
Rất mong ngành đường sắt nghiên cứu để đảm bảo hành khách có được sự thỏa mái và an toàn hơn trên mỗi chuyến tàu.