Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan nhìn nhận ngành nông nghiệp có thời điểm phải kêu gọi tiêu thụ nông sản, nhưng không nên dùng từ “giải cứu” vì sẽ tạo ra tâm lý thương cảm, thương xót.
“Chúng ta cần hành động cụ thể hơn. Chúng ta đồng cảm với khó khăn của người nông dân nhưng cần có giải pháp để nâng niu giá trị nông sản, bởi vì đó là công sức của bà con”, Bộ trưởng nói.
Theo đó, ngày 1/6, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành. Đồng thời, Bộ NNPTNT sẽ cùng Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam thực hiện một chương trình kết nối cung - cầu nông sản.
Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu nông sản trở nên khó khăn. Ảnh: Nhật Sinh. |
Bộ trưởng cho biết nhiều khi thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ không khớp nhau. Ví dụ lúc hành tím Diễn Châu (Nghệ An) rớt giá chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, thì người dân ở Đắk Lắk nói phải mua với giá 40.000 đồng/kg.
Như vậy, Bộ trưởng Hoan cho rằng câu chuyện kết nối thị trường nội địa cũng đang tồn tại những vấn đề, thông tin bất cân xứng tạo ra dư thừa một cách cục bộ chứ không phải toàn bộ. Chỗ cần thì không có, không lưu thông được.
Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ ở mức cao hơn nữa cho những đơn vị vận tải nông sản trong nước. Trong dài hạn, Việt Nam cần thiết lập kênh thông tin hai chiều.
Đối với giải pháp để không còn phải “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng Hoan cho rằng phải có thông tin từ sản xuất tới tiêu thụ. Mỗi Sở NNPTNT phải xác định được trách nhiệm của mình, không chỉ là giúp cho bà con tiêu thụ nông sản mà cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bộ NNPTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kho bãi, giải pháp bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác.
Sau đó, địa phương sẽ thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản từ ruộng, vườn đến hệ thống phân phối. Đây cũng là cách để hạn chế rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.