Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị xem xét, có ý kiến về sự phù hợp của nội dung chính đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Bộ NN&PTNT đã đưa ra phản hồi về các nội dung kiến nghị, đề xuất cụ thể của Hà Nội, đồng thời có các đề nghị với thành phố về quy hoạch phân khu sông Hồng.
Hai khu dân cư dễ bị sạt lở
Sau khi nghiên cứu, Bộ NN&PTNT ghi nhận và đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với quan điểm giải quyết về quy hoạch, đảm bảo tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Việc Hà Nội lập quy hoạch này là rất cần thiết để có giải pháp cải tạo, chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư hiện có ở bãi sông, kết hợp khai thác quỹ đất bãi sông hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều. Việc này vừa đảm bảo không gian thoát lũ, an toàn đê điều, vừa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.
UBND TP đã xác định xây dựng giải pháp quy hoạch trong không gian thoát lũ dựa trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới, không thu hẹp không gian thoát lũ và không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ. Đồng thời, Hà Nội cũng nghiên cứu hệ thống cốt nền khu vực bờ sông phù hợp, không gây cản lũ.
Bộ NN&PTNT cho rằng Quy hoạch phân khu sông Hồng của Hà Nội đã đảm bảo các yếu tố về cấp thoát lũ, khai thác quỹ đất bãi sông hợp lý. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, với giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông, Bộ NN&PTNT cho rằng phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12 (trên mức lũ báo động 3), tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.
Vì vậy, Bộ đề nghị UBND TP lựa chọn cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên hoặc cao trình đê bối hiện có hoặc cao trình khu dân cư hiện có để phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ.
Đối với việc Hà Nội đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề, Bộ NN&PTNT cho rằng Quy hoạch số 257 của Thủ tướng đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ cần phải di dời. Trong số các khu vực này có 2 khu dân cư trên.
Ngoài ra, trong quá trình rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên địa bàn, TP cũng xác định các khu vực dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội thực hiện theo quy hoạch đã có.
Với khu dân cư Kim Lan - Văn Đức hiện có ở bãi sông, Bộ thống nhất với đề nghị của TP về việc giữ lại khu vực này vì đây là nơi thuộc bãi sông Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Vị trí này đã được xác định trong danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có của Quy hoạch 257.
Hà Nội cần có lộ trình di dời khu dân cư mất an toàn
Tại văn bản gửi UBND Hà Nội, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết mặc dù trước đó hai bên đã có cam kết lập tổ công tác chung, đến nay, Bộ chưa nhận được đề nghị tham gia tổ công tác của TP, cũng như chưa nhận được kết quả rà soát phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn Hà Nội.
Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo sớm triển khai lập phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong Quy hoạch thành phố, trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.
Hà Nội quyết tâm thay đổi quy hoạch lộn xộn ở khu vực 2 bờ sông với đề án Quy hoạch phân khu sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, UBND Hà Nội được đề nghị quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.
Thành phố cũng cần có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại theo quy định; không để phát triển thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề nghị địa phương rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.
Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được UBND Hà Nội trình lên Thường trực Thành ủy hồi tháng 3, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000-320.000 người.
Thời điểm đó, UBND TP được yêu cầu khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.