Bộ Nội vụ vừa có báo cáo về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trong 6 tháng đầu năm 2023.
Sau sắp xếp bộ máy, Bộ Nội vụ đã giảm 12 chức danh Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và tương đương tại các cơ quan thuộc Bộ. |
Liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính, trong 6 tháng qua, đã có 26 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành, cơ quan được ban hành.
Về sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, đến nay đã có 18/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tiếp tục thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục đẩy mạnh triển khai sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.
Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế. Theo tính toán, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 21/4/2023 là 79.178 người, trong đó ở Trung ương là 5.511 người, ở địa phương là 73.667 người.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách tổ chức bộ máy trong phạm vi của Bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ. Trên cơ sở Nghị định số 63/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát sửa đổi bổ sung quy định về chức năng nhiệm vụ các cơ quan đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Đến nay, toàn bộ 20/20 đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã có văn bản quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã giảm 3 đơn vị thuộc Bộ và tổ chức lại 2 cơ quan tương đương Tổng cục thuộc Bộ; trong đó giảm 2 Vụ thuộc Bộ (do sáp nhập tổ chức hành chính), giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (do sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập) và tổ chức lại 2 cơ quan tương đương Tổng cục (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Ban Tôn giáo Chính phủ) thành 2 cơ quan tương đương Cục thuộc Bộ.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc 2 Ban, tổ chức lại các Vụ và tương đương thuộc Ban thành các Phòng và tương đương thuộc Ban; đồng thời, tiến hành sắp xếp, giảm số lượng đầu mối các đơn vị thuộc Ban, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đối với cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã giảm 24 đơn vị đầu mối; trong đó giảm 3 đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, giảm 1 đơn vị thuộc Văn phòng Bộ, tăng thêm 1 đơn vị thuộc Thanh tra Bộ do yêu cầu nhiệm vụ của công tác thanh tra.
Đồng thời giảm 1 đơn vị thuộc Trung tâm Thông tin, giảm 1 đơn vị thuộc Tạp chí Tổ chức Nhà nước, giảm 23 đơn vị thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Tuy nhiên, do sáp nhập Trường vào Học viện Hành chính Quốc gia nên Học viện tăng thêm 4 đơn vị so với trước đây.
Sau sắp xếp bộ máy, Bộ Nội vụ đã giảm 3 chức danh Vụ trưởng và tương đương; giảm 9 chức danh Phó vụ trưởng và tương đương tại các cơ quan thuộc Bộ.
Đối với việc tổ chức lại 2 cơ quan tương đương Tổng cục thành 2 cơ quan tương đương Cục thuộc Bộ, đã giảm 2 chức danh tương đương Tổng cục trưởng; giảm 8 chức danh tương đương Phó tổng cục trưởng; giảm 22 chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; giảm 66 chức danh Phó vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.
Đối với việc sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, đã giảm 24 chức danh Trưởng phòng và tương đương; giảm 48 chức danh Phó trưởng phòng và tương đương.
Cùng với đó, Bộ cũng đã tiến hành sắp xếp điều chỉnh cơ cấu lại 33 biên chế công chức và 473 biên chế sự nghiệp, bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, trình độ năng lực của công chức, viên chức.
Theo Bộ Nội vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ có sự thay đổi, thích ứng và đồng thuận cao với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, luôn ổn định tư tưởng, yên tâm công tác và phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.